Labels

Labels

Labels

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Những vụ lừa đảo siêu lãi suất đình đám thế giới

Bị mờ mắt vì mức lãi suất khổng lồ, nhiều nhà đầu tư đã mất trắng hàng tỷ đôla vào tay những kẻ lừa đảo đình đám trong lịch sử thế giới.

1. Ông trùm Madoff và cú lừa 50 tỷ USD

Vốn là một trong những sáng lập viên của sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq, Bernard Madoff điều hành một quỹ đầu tư với tài sản khoảng 17 tỷ USD. Dựa vào danh tiếng sẵn có, Madoff thu hút dòng tiền vào quỹ đầu tư của mình với mức lợi tức hứa trả hàng năm lên tới 11%. Chiêu bài của Madoff là lấy tiền của nhà đầu tư đến trước để trả cho người đến sau. Vì những đồng vốn này không tự sinh lời, nên cuối cùng, toàn bộ hệ thống quay vòng này cũng bị sụp đổ khi khoản tiền đến sau không thể gánh nổi khoản đến trước, và số lỗ thực tế lên tới 50 tỷ USD.
Ngày 11/12/2008, sự việc được phanh phui với danh sách nạn nhân có đủ những tên tuổi nổi tiếng thế giới như Ngân hàng Santander (Tây Ban Nha), HSBC (Anh), Ngân hàng Hoàng gia Scotland, Ngân hàng BNP (Pháp), Ngân hàng Nomura (Nhật Bản)… Với cú lừa lịch sử này, Madoff đối mặt với án tù 20 năm cộng với 5 triệu USD tiền phạt.
Trùm lừa Madoff và số thiệt hại lên tới 50 tỷ USD. Ảnh: economist.com
Trùm lừa Madoff và số thiệt hại lên tới 50 tỷ USD. Ảnh: economist.com

2. Tám tỷ USD và án phạt 250 năm cho tỷ phú lừa đảo Allen Stanford

Người Mỹ đầu tiên được Khối thịnh vượng chung phong tước Hiệp sĩ, Allen Stanford, đã khiến thị trường tài chính - ngân hàng Mỹ rung chuyển với vụ lừa đảo đầu tư siêu lợi nhuận được phát hiện vào tháng 6/2009. Vị tỷ phú này đã dựng lên một kế hoạch đầu tư "ma" thông qua Ngân hàng Quốc tế Stanford (SIB) do ông ta cùng gia đình làm chủ.
Thủ đoạn mà SIB sử dụng là bán các chứng chỉ ký thác đầu tư trị giá khoảng 8 tỷ USD với lãi suất từ 11% đến 16% một năm, rồi ngụy tạo báo cáo tài chính nhằm đút túi toàn bộ số tiền trên. Cùng với các chiến dịch quảng cáo của mình, chỉ riêng trong năm 2005, SIB đã thuyết phục được 35.000 khách hàng với tổng số vốn đóng góp 3,8 tỷ USD và đến cuối năm 2007, số vốn ký thác trong tay trùm lừa đảo đã lên đến 6,7 tỷ USD.
Tỷ phú Texas này đã bị áp dụng luật hình sự với tội danh lừa đảo và đối mặt với án tù lên tới 250 năm tại nhà tù liên bang.
Hiệp sĩ Allen Stanford đã khiến cả nước Mỹ rúng động sau cú lừa 8 tỷ USD. Ảnh: Telegraph.co.uk
Hiệp sĩ Allen Stanford đã khiến cả nước Mỹ rúng động sau cú lừa 8 tỷ USD. Ảnh: Telegraph.co.uk

3. Doanh nhân 75 tuổi và vụ lừa đảo 1,4 tỷ USD tại Nhật

Kazutsugi Nami, chủ tịch của công ty L&G;, đã thực hiện vụ lừa đảo đối với 37.000 nhà đầu tư trong gần 10 năm. Theo cơ quan điều tra Nhật, Nami và các lãnh đạo cao cấp của L&G; đã thu lượng tiền lớn từ các nhà đầu tư với cam kết trả lãi 36 % một năm. Ngoài ra, ông ta còn gây quỹ bằng cách phát hành "Enten" và nói với nhà đầu tư rằng loại "tiền" này sẽ có giá trị tại các hội chợ trên khắp cả nước do công ty tài trợ, cũng như các giao dịch trên Internet.
Khi bị bắt giữ, vị doanh nhân 75 tuổi không thừa nhận bất kỳ hành vi phạm pháp nào. Số tiền lừa đảo ước tính lên tới 1,4 tỷ USD
Kazutsugi Nami được giới đầu tư Nhật tin tưởng như Madoff. Ảnh: Globo.com
Kazutsugi Nami được giới đầu tư Nhật tin tưởng như Madoff. Ảnh: Globo.com

4. Công ty cờ bạc trực tuyến Full Tilt

Full Tilt
Howard Lederer, một trong những người sáng lập ra Full Tilt. Ảnh: Forbes
Mới đây, Cục Điều tra Liên bang Mỹ đã tuyên bố rằng Full Tilt Poker, một trong những công ty cờ bạc trực tuyến lớn nhất nước này, thực chất là một "bộ máy Ponzi khổng lồ". Sau khi đóng cửa trang web và phong tỏa tài khoản của Full Tilt, các công tố viên Liên bang đang lập hồ sơ đưa những người quản lý Full Tilt ra tòa.
Mô hình lừa đảo Ponzi mang nghĩa lấy tiền của người này trả cho người khác, cam kết trả lãi cao. Còn trong trường hợp vụ Full Tilt, một nhóm tay chơi cờ bạc chuyên nghiệp đã lập ra công ty đánh bạc trực tuyến Full Tilt để lừa đảo. Họ thu hút người tham gia rồi lấy tiền của người này trả cho người kia, xoay vòng vốn và đút túi riêng khoản lừa được. Kể từ năm 2007, các thành viên sáng lập Full Tilt đã bỏ túi hàng trăm triệu USD theo cách này. Sự việc vỡ lở sau khi những người chơi phát hiện ra rằng Full Tilt không có khả năng hoàn trả số tiền do họ thắng bạc mà có.

5. MMM - vụ lừa đảo hình tháp lớn nhất trong lịch sử nước Nga

MMM là một công ty Nga được thành lập năm 1989. Ban đầu, công ty này đơn thuần nhập khẩu máy tính và thiết bị văn phòng rồi chuyển sang hoạt động tài chính nhưng đều không mấy thành công.
Sergei Mavrodi, một trong 3 người sáng lập của MMM sau khi bị kết án vào năm 2007. Ảnh: TheMoscowTimes
Đến năm 1994, tình thế xoay chuyển khi MMM bắt đầu hoạt động theo mô hình Ponzi, tức lừa đảo theo hình tháp. MMM thu hút tiền từ các nhà đầu tư tư nhân, hứa trả cho họ khoản lãi suất khổng lồ lên tới cả nghìn phần trăm mỗi năm. Chính những hoạt động quảng cáo rầm rộ, lãi suất cao khiến ngày càng nhiều người đổ tiền vào MMM và công ty này phất lên nhanh chóng. Vào thời kỳ cao điểm, MMM huy động được hơn 100 tỷ ruble (tương đương 50 triệu USD) mỗi ngày. Số tiền thu được lớn đến nỗi chính bản thân MMM cũng không đếm nổi và họ phải thống kê tiền theo đơn vị phòng, ví dụ một phòng tiền, hai phòng tiền.
Chứng kiến sự phất lên của MMM, nhiều người cũng bắt chước và lập ra những công ty tương tự, hoạt động theo mô hình thu hút vốn và hứa trả lãi suất cao. Có nơi hứa trả lãi tới 30.000% một năm.
Đến tháng 7/1994, sự việc đột ngột vỡ lở khi các nhà chức trách đóng cửa văn phòng MMM với cáo buộc trốn thuế. Chỉ ít ngày sau đó, người ta mới ngã ngửa ra rằng công ty đang gánh những khoản nợ khổng lồ không có khả năng chi trả. Invest-Consulting, một trong số công ty con của MMM, nợ hơn 50 tỷ ruble (26 triệu USD) tiền thuế. Bản thân MMM nợ các nhà đầu tư từ 100 tỷ đến 3.000 tỷ ruble (50 triệu đến 1,5 tỷ USD). Chính những người sáng lập cũng chẳng nhớ nổi họ nợ những ai và nợ bao nhiêu tiền.
Cho đến nay, đây vẫn là vụ lừa đảo theo hình tháp lớn nhất trong lịch sử nước Nga, với ít nhất 2 triệu người đã bị mất tiền và ít nhất 50 nạn nhân kết liễu đời mình vì trắng tay. Sergei Mavrodi, một trong 3 người sáng lập MMM, bị bắt vào năm 2003 và bị kết án 4 năm tù vào năm 2007.
Quỳnh Anh - Thanh Bình (tổng hợp)

0 nhận xét

Đăng nhận xét