Labels

Labels

Labels

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Té ngửa vì coi thường đăng ký sở hữu trí tuệ

Những vụ rắc rối liên tiếp cả trên thế giới và Việt Nam thời gian gần đây liên quan đến sở hữu trí tuệ lại gióng lên một hồi chuông cảnh báo các doanh nghiệp cần coi trọng hơn tới việc sử dụng các công cụ sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Hội trợ thương mại về hàng điện tử tiêu dùng lớn nhất Thế giới IFA 2011 diễn ra tại Berlin, Đức từ ngày 2 đến ngày 7/9/2011. Samsung hăm hở đem sản phẩm công nghệ mới nhất của mình, máy tính bảng Galaxy Tab 7.7, đến quảng bá và giới thiệu cho người tiêu dùng. Nhưng ngay vào ngày 2/9/2011, Tòa án Dusseldorf đã ra quyết định buộc Samsung phải ngay lập tức gỡ bỏ mọi quảng cáo liên quan đến máy tính bảng Galaxy Tab 7.7 cũng như thay nhãn trên gian hàng mà mình dự định sử dụng để giới thiệu mẫu máy tính bảng mới tại IFA 2011 theo yêu cầu của Apple.

Lý do mà Tòa Dusseldorf nêu ra là sản phẩm Galaxy Tab 7.7 của Samsung đã xâm phạm quyền độc quyền về kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ của Apple cho máy tính bảng iPad. Kế hoạch ra mắt sản phẩm công nghệ thượng thặng Galaxy Tab 7.7 của Samsung đã sụp đổ một cách bẽ bàng khi phải tự tay gỡ bỏ mọi quảng cáo về sản phẩm trước mặt công chúng. Ngay lập tức, cổ phiếu của Samsung đã giảm thêm 0,3%, xuống còn 769.000 won trên thị trường chứng khoán tại Seoul trong ngày 2/9/2011.
Ảnh minh họa
 Gỡ bỏ quảng cáo Samsung Tab 7.7 tại IFA 2011

Một câu chuyện khác diễn ra tại Việt Nam. Công ty Carabao Tawandang Co., Ltd (Thái Lan) là nhà sản xuất nước tăng lực lớn thứ thứ 2 tại Thái Lan với sản phẩm nước tăng lực mang nhãn hiệu “Carabao, hình đầu trâu”. Sản phẩm này của Công ty Carabao bán rất chạy và chiếm thị phần áp đảo tại thị trường các nước hồi giáo như Iran, Pakistan, Afghanistan. Nhưng gần đây, công ty Carabao phát hiện sản phẩm nhái nhãn hiệu của mình xuất hiện ồ ạt trên thị trường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh số bán hàng của Công ty tại các các thị trường này. Sau khi điều tra, Công ty Carabao phát hiện các loại nước tăng lực nhái được sản xuất và xuất khẩu từ Việt Nam nơi Công ty Carabao đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Carabao, hình đầu trâu” cho sản phẩm nước tăng lực từ năm 2005.

Từ đó, theo đề nghị của Công ty Carabao, Cục điều tra chống buôn lậu, Hải quan Việt Nam, đã phối hợp với Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh tiến hành điều tra, bắt giữ và xử phạt đối với 03 Công ty của Việt Nam với tổng số tiền lên tới 1 tỷ 48 triệu đồng, buộc tiêu hủy sản phẩm xâm phạm đối với hành vi sản xuất, tàng trữ và vận chuyển nước tăng lực xâm phạm nhãn hiệu “Carabao, hình đầu trâu”của Công ty Carabao tại Việt Nam.

Ảnh minh họa
 Nước tăng lực Carabao thật (trái) và hàng nhái Caraboe (phải).

Tiếp đó, Hải quan tỉnh Bình Dương cũng đã kiểm tra, phát hiện một Công ty sản xuất nước tăng lực có vốn đầu tư nước ngoài đặt tại Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore đã từng sản xuất và xuất khẩu nước tăng lực “Caraboe, hình đầu trâu” tới Afghanistan. Theo đó, Hải quan Bình Dương đã yêu cầu Công ty sản xuất hàng xâm phạm nhãn hiệu này phải tự tiêu hủy hết những sản phẩm nước tăng lực lỗi mang nhãn hiệu “Caraboe, hình đầu trâu” còn trong kho và ký cam kết không tái phạm hành vi vi phạm pháp luật.

Hai câu chuyện trên, tuy diễn ra ở hai quốc gia khác nhau với nội dung khác nhau nhưng đều có điểm chung là Công ty Apple và Carabao đã biết sử dụng công cụ pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ (quyền độc quyền về kiểu dáng công nghiệp sản phẩm và quyền nhãn hiệu) của mình một cách hiệu quả để bảo vệ thị phần, chống lại đối thủ cạnh tranh. Quyền sở hữu trí tuệ, ngoài bản chất là một loại tài sản vô hình (không bị hao mòn, không hạn chế đối tượng sử dụng bởi không gian và thời gian) nó còn là một công cụ pháp lý hữu hiệu trong kinh doanh để thâm nhập thị trường nước ngoài, bảo vệ thị phần, chống lại đối thủ cạnh tranh một cách hữu hiệu.
Trở lại câu chuyện xôn xao gần đây trong báo giới về việc tên gọi “Buôn Mê Thuột”, đã được bảo hộ là Chỉ dẫn địa lý tại việt Nam, đã bị một Công ty của Trung Quốc lấy để đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm cà phê tại nước này. Câu chuyện không mới vì trước đây các Nhãn hiệu như VINATABA, Trung Nguyên của Việt Nam hay chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” đã bị các doanh nghiệp nước ngoài chiếm đoạt bằng cách đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nhiều quốc gia.

Câu chuyện tên gọi “Buôn Mê Thuột” bị chiếm đoạt cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhận thức được đầy đủ lợi thế và sự cần thiết của việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ như là một luật chơi chung khi tham gia thị trường toàn cầu. Do vậy, các doanh nghiệp nước ta vẫn thụ động trong việc tiến hành đăng ký bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ của mình (như nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp sản phẩm) tại nước ngoài như một yêu cầu bắt buộc trước khi đưa sản phẩm/dịch vụ vào thâm nhập thị trường nước đó.
Theo các chuyên gia, một khi doanh nghiệp nhận thức được đầy đủ về tiềm năng và thế mạnh của việc sáng tạo, quyền sở hữu trí tuệ (quyền sở hữu tài sản vô hình) và biết sử dụng pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại nước ngoài như một công cụ kinh doanh, một công cụ cạnh tranh hiệu quả thì việc đầu tư về chi phí và thời gian cho việc sáng tạo và bảo hộ các tài sản sáng tạo của mình cũng như quyền sở hữu trí tuệ là điều tự nhiên và tất yếu như chính việc sản xuất và bán sản phẩm chứ không phải là một gánh nặng đầu tư như việc mua và sưu tầm danh hiệu.

Công Thường - Chính Trực

0 nhận xét

Đăng nhận xét