Labels

Labels

Labels

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

HN: CPI tháng 9 bỗng giảm tốc ‘cực nhanh'

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tại Hà Nội bỗng giảm nhiệt nhanh chóng so với các tháng trước đó. Theo số liệu mới nhất của Cục thống kê Hà Nội, tốc độ tăng giá các loại hàng hóa trong tháng này chỉ còn tăng 0,2% so với tháng trước.
Như vậy, đây là tháng đầu tiên từ đầu năm đến giờ chỉ số CPI tại Hà Nội tăng dưới 1%. Trước đó, tuy chỉ số CPI tháng 8 của cả nước chỉ còn tăng 0,93% nhưng tại Hà Nội, chỉ số này vẫn cao, ở mức 1,06%.
Một điều gây bất ngờ nữa là trong khi tháng 9 gắn liền với nhiều dịp lễ Tết như dịp 2/9, Tết Trung thu hay cũng là dịp khai giảng năm học mới. Bối cảnh này thường tạo áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng.
Trong tháng 9, có 7/11 nhóm hàng có chỉ số giá tiêu dùng tăng. Tuy nhiên, hầu hết các nhóm hàng có chỉ số giá tăng dưới 1%, chỉ có nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng trên 1%.
Gây bất ngờ nhất có lẽ là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống khi chỉ số giá tháng này giảm nhẹ 0,02%, sau khi tăng tới 1,9% trong tháng trước. Trong đó, thực phẩm giảm 0,34%; lương thực giảm 0,26%; chỉ có ăn uống ngoài gia đình tăng 1,02%.
Trong khi đó, nhóm giáo dục đã tăng 0,98%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,91%. Việc giảm giá bán lẻ xăng dầu cũng tác động lên hai nhóm là giao thông và nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng, với mức giảm lần lượt là 0,56% và 0,01%.
Continue Reading »

Nợ 40 tỷ đồng, công ty con Vinashin đóng cửa


 
Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) đã có quyết định chấm dứt hoạt động chi nhánh tập đoàn là công ty XNK Vinashin. Đến nay Công ty này vẫn còn nợ thuế khoảng hơn 40 tỷ đồng.
Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng về việc tái cơ cấu Tập đoàn Vinashi, ngày 29/6/2011 Tập đoàn Vinashin đã có quyết định chấm dứt hoạt động chi nhánh tập đoàn là Công ty XNK Vinashin.
Công ty NHK Vinashin được thành lập từ năm 2003  và được Tập đoàn Vinashin giao nhiệm vụ nhập khẩu vật tư, vật tư phục vụ đóng tàu cho các đơn vị thành viên. Các hoạt động xuất nhập khẩu của Tập đoàn Vinashin chủ yếu thông qua Công ty Xuất nhập khẩu Vinashin.
Tính đến ngày 30/8/2011 Công ty XNK Vinashin còn nợ tiền thuế khoảng trên 40 tỷ đồng. Hiện Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đang xem xét để giải quyết khoản nợ trên của Công ty XNK Vinashin.

Đinh Bách
Continue Reading »

Địa ốc vẫn “lạnh” sau gần 2 tháng phê duyệt quy hoạch


Giữa năm 2010, khi quy hoạch Hà Nội được đưa ra lấy ý kiến người dân thì thị trường bất động sản (BĐS) bỗng trở nên sôi động, giá đất có nơi tăng gấp đôi, gấp ba lần. Vậy mà sau gần hai tháng phê duyệt quy hoạch, nay thị trường lại rơi vào cảnh trầm lắng, nguội lạnh...
Thị trường BĐS Hà Nội hiện nay so với thời điểm cuối tháng 7, khi mà Quy hoạch chung Thủ đô được chính thức thông qua vẫn chưa thấy khởi sắc hơn. Hầu hết các phân khúc, nhất là chung cư và đất nền đều giảm giá, giao dịch trầm lắng và ít có giao dịch thành công.
Đơn cử tại khu vực Ngọc Khánh, một số chung cư giảm giá tới 3-5 triệu đồng mỗi m2, khu vực Nguyễn Chí Thanh chung cư cũng chỉ còn 42-45 triệu đồng/m2, trước đó chào bán trên 50 triệu đồng/m2.
Hiện đất nền Kim Chung - Di Trạch đã chững lại với giá khoảng 40 triệu đồng/m2, Bắc An Khánh chỉ còn chênh đến 1,2-2 tỷ đồng mỗi căn, trước đây chênh tới 5-6 tỷ đồng/căn.
Giá đất dự án Nam An Khánh hiện trên 30 triệu đồng/m2 giảm 10 triệu đồng/m2 so với thời điểm đầu tháng 3. Hiện, chủ đầu tư đã bắt đầu bán tiếp hàng đợt 2 với mức giá gốc 31 triệu đồng/m2, tiền chênh ngoài 4-5 triệu đồng/m2...
Thực tế này thật khác so với những kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư trước đây khi trông chờ, cho rằng thị trường BĐS sẽ “ấm” lên và sôi động hơn khi quy hoạch được phê duyệt.
Sau gần 2 tháng phê duyệt quy hoạch, địa ốc Hà Nội vẫn trầm lắng, ít giao dịch.
Sau gần 2 tháng phê duyệt quy hoạch, địa ốc Hà Nội vẫn trầm lắng, ít giao dịch.
Theo ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) thì quy hoạch Hà Nội có tiềm năng và vẫn chưa biến thành hiện, còn người dân, nhà đầu tư Hà Nội lại luôn đầu tư theo tin đồn, dẫn đến tâm lý a dua thổi giá BĐS. “Minh chứng rõ ràng nhất là quy hoạch chung của thủ đô trước khi lấy ý kiến người dân đã thổi bùng lên cơn sốt nhà đất, nhưng khi chính thức thông qua thì thị trường lại rơi vào cảnh trầm lắng”, ông Thiện cho hay.
Bên cạnh đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường GS. Đặng Hùng Võ nhận định, địa ốc sẽ khó hưởng lợi từ quy hoạch chung. Bởi lẽ, quy hoạch được phê duyệt đúng vào thời điểm địa ốc Hà Nội đang trong tình cảnh đói vốn. Trong khi nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư xây dựng các dự án địa ốc vẫn đang “mướt mồ hôi” đi tìm nguồn vốn mà vẫn chưa thông lại thêm hàng trăm dự án đang phải rà soát lại thì thị trường này sẽ chưa thể hưởng lợi từ việc đồ án được thông qua.
Theo ông Võ, bài toán cần xử lý hiện nay là việc kiềm chế lạm phát đã gây ra tác động đương nhiên đối với thị trường BĐS. Thị trường BĐS kém giao dịch do những nhà đầu tư nhỏ lẻ đang chờ đợi còn các nhà đầu tư lớn thì thiếu vốn. Chính vì thế, theo ông Võ, mức độ tập trung của các nhà đầu tư cũng như của người tiêu dùng vào quy hoạch Hà Nội mới được phê duyệt chưa nhiều bởi người ta chưa nhìn thấy lợi ích gần nhất có thể đạt được.
“Chắc chắn quy hoạch này sẽ có tác động và là tác động rất lớn đến thị trường BĐS, tuy nhiên không phải trong giai đoạn trước mắt mà cần phải chờ đợi thêm một thời gian nữa”, ông Võ nhận định. Bởi theo sự phân tích của vị chuyên gia này thì quy hoạch lần này được làm rất công khai, minh bạch, được lấy ý kiến và xem xét rất thấu đáo, lại được công bố và triển lãm để người dân ai cũng được đến xem.... Điều đó, sẽ khiến không còn chuyện thông tin bị “ém” hay lạ lẫm nữa nên không gây nên những làn sóng và người đi lướt sóng đầu tư nhất thời.
Theo giới kinh doanh trong ngành, sau gần hai tháng quy hoạch được phê duyệt nhưng thị trường BĐS vẫn “lạnh”, kém sôi động không có nghĩa là quy hoạch không có tác động mà là chưa thể có tác động ngay trong thời gian ngắn được, mà cần có thời gian thị trường mới có thể khởi sắc. Tuy nhiên, quy hoạch Thủ đô lại giúp cho nhiều nhà đầu tư không còn tâm lý lo sợ khi đầu tư vào những nơi bị “dính” quy hoạch, ngay cả người dân cũng có thể biết nơi mình đang ở có nằm trong quy hoạch hay không.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam ông Trần Ngọc Chính cho rằng, không phải chuyên gia nào cũng dám đoán định thời điểm nào thị trường BĐS sẽ khởi sắc. Bởi lẽ, sau khi quy hoạch chung Hà Nội được phê duyệt, Chính phủ sẽ tiếp tục tiến hành điều chỉnh lại quy hoạch vùng thủ đô nhằm tạo sự phát triển cho các đô thị vệ tinh. Quy hoạch chung đáp ứng các yêu cầu để Hà Nội phát triển thành thủ đô đa chức năng và sẽ có tác dụng tích cực lên thị trường địa ốc.
Nguyễn Lê
Continue Reading »

Sốt giá, nông dân bỏ lúa trồng khoai

Hiện tại, nông dân huyện Bình Tân (Vĩnh Long) đang thu hoạch khoai lang tím Nhật bán với giá 1,1 - 1,15 triệu đồng/tạ (1 tạ bằng 60kg), cao nhất từ trước đến nay.

Vụ khoai lang này, nông dân huyện Bình Tân xuống giống khoảng 6.000ha với năng suất khoảng 180.000 tấn. Ngay từ đầu vụ, giá khoai lang tím Nhật ở mức khá cao từ 0,6 - 0,8 triệu đồng/tạ. Và đến cuối vụ giá khoai đạt mức cao kỷ lục lên đến 1,15 triệu đồng/tạ. Nông dân thu lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/ha (gấp 10 lần so với trồng lúa).
Nhiều ruộng lúa được chuyển sang trồng khoai lang.
Lão nông Nguyễn Ngọc Sáng (xã Tân Thành, huyện Bình Tân) cho biết: “Lúc đầu vụ tui thu hoạch 1,5ha khoai lang tím Nhật bán với giá 0,6 triệu đồng/tạ, lời được 140 triệu đồng. Đến cuối vụ, giá khoai vọt lên hơn 1 triệu đồng 1 tạ nên nhiều người lời gần gấp đôi tui. Ở vùng này hầu như ai cũng trúng mùa khoai lang”.
Vào cuối vụ, khoai lang tím Nhật đang hút hàng nên thương lái ráo riết thu mua để xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Ông Sơn Văn Luận - Chủ nhiệm HTX Khoai lang Tân Thành cho biết: “Mỗi ngày trung bình HTX thu mua khoảng 30 tấn khoai lang cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc”.
Giá khoai lang tím Nhật cao nên nông dân vừa thu hoạch xong đã nóng lòng làm đất, chuẩn bị vụ mới. Ông Võ Văn Phèn ở xã Thành Đông, huyện Bình Tân cho biết: “Thông thường nông dân trồng khoai lang trong vụ hè thu khoảng 6 tháng thu hoạch xong thì xuống giống vụ lúa đông xuân rất trúng mùa mà không cần bón phân nhiều vì đất đã tơi xốp. Tuy nhiên, bây giờ khoai lang được giá, lợi nhuận cao nên nông dân đã bỏ luôn vụ lúa để trồng khoai”.
Trên con đường dẫn vào xã Thành Đông, Tân Thành, Thành Trung… huyện Bình Tân đã có nhiều hộ dân xuống giống khoai ngay trong mùa nước nổi. Mực nước ở ngoài kênh khá cao nên nông dân làm bờ bao và đầu tư cả hệ thống máy bơm để thoát nước cho ruộng khoai.
Ông Nguyễn Văn Tập - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Bình Tân cho biết: “Khoai có giá nên nông dân đã ùn ùn bỏ đất trồng lúa để chuyển qua trồng khoai. Những năm trước đây diện tích trồng khoai sau khi thu hoạch sẽ được trồng lúa đông xuân thì nay đã chuyển sang trồng luôn vụ khoai tiếp theo. Dự kiến, trong vụ đông xuân sắp tới toàn huyện sẽ xuống giống khoảng 2.400ha khoai lang”.
Ông Phạm Văn Quỳnh - Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ lo lắng: “Việc trồng khoai như vậy đã phá vỡ quy hoạch, dễ xảy ra tình trạng tồn ứ sản phẩm dẫn đến rớt giá…”.
Continue Reading »

Đưa sở hữu trí tuệ thành vấn đề chiến lược

Khi trao đổi với NTNN về việc cần thiết phải có chiến lược xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt - Chủ tịch InvestConsult Group nhấn mạnh: “Lâu nay chúng ta không có chiến lược để xây dựng thương hiệu, do đó chúng ta gặp rất nhiều hậu quả”.

Từ việc thương hiệu nông sản VN bị chiếm dụng:


Thưa ông, gần đây báo chí nói nhiều về câu chuyện mất thương hiệu, nhưng có lẽ cần phải cảnh báo sâu xa hơn để từ những người sản xuất đến người quản lý hiểu được thương hiệu quan trọng như thế nào và hiểu ra hậu quả của việc mất thương hiệu. Ông có ý kiến gì về chuyện này?
- Ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam, việc đăng ký nhãn hiệu để giữ chỗ là việc bình thường. Đấy là những sự đón lõng để cầu lợi trong quan hệ thương mại của các đối tượng đối với Việt Nam. Bây giờ chúng ta mới chỉ phát hiện ra chuyện nhãn hiệu cà phê Buôn Mê Thuột bị chiếm dụng, nhưng thực tế còn nhiều thứ khác cũng đã được đón lõng sẵn, đã được cài sẵn rồi mà chúng ta không biết được, bởi chúng ta không có chiến lược. Ví dụ, Hiệp định TRIPs không được để ý trong toàn bộ nội dung truyền bá các hiệp định WTO.
Cùng với việc đăng ký thương hiệu nông sản, cần phải hỗ trợ để duy trì thương hiệu bền vững.
Có nhà chuyên môn phân tích rằng hiện nay trong lĩnh vực nông nghiệp thường thì chúng ta chỉ đăng ký nhãn hiệu khi tìm được thị trường xuất khẩu. Như vậy phải chăng hạn chế của việc đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài là do mình chưa tìm được thị trường xuất khẩu?
- Đăng ký bao giờ cũng phải đi trước. Nơi có tầm nhìn ấy trước hết phải là Bộ Công Thương. Hiệp hội chỉ đóng vai trò nguồn, không đóng vai trò pháp lý. Từ lâu tôi đã thấy một vấn đề là tại sao chỉ có một Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với Chi nhánh miền Trung, Chi nhánh miền Nam? Tại sao chúng ta không có Phòng Thương mại TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng...? Cần sớm xóa bỏ độc quyền thành lập phòng thương mại, để không biến nó thành một tổ chức quan liêu.
Thương hiệu Việt là một từ rất mơ hồ. Đôi khi chúng ta gắn những sức mạnh của một sản phẩm lên trên sức yếu của nền kinh tế là chúng ta sai. Chúng ta có thể có một nền kinh tế yếu, nhưng chúng ra vẫn có thể có nhiều sản phẩm mạnh.
Nhưng ngay bây giờ, việc các cơ quan chức năng cần làm là gì để hạn chế tình trạng thương hiệu bị chiếm dụng?
- Vấn đề không chỉ là đăng ký nhãn hiệu, bởi đăng ký xong mà không nuôi được nó thì nó sẽ chết. Đăng ký xong rồi thì còn phải đầu tư thế nào để nó sống, để nó giữ được giá trị của nó. Và đấy chính là đầu tư cần thiết của Nhà nước cho xã hội chứ không phải đầu tư cho các tập đoàn kinh tế, không phải các dự án lớn. Theo tôi dự án lớn nhất là làm sống lại các nền kinh tế khu vực, kích động sự phát triển của các nền kinh tế khu vực.
Tất cả những sản phẩm nông nghiệp của chúng ta do thiếu những kỹ năng hiện đại đã làm cho giá trị của chúng bị hạ thấp.
Như vậy không chỉ có Bộ NNPTNT mà cả Bộ Công Thương cũng cần phải có những đầu tư thích đáng cho lĩnh vực này?
- Việc cần làm là phải đưa vấn đề sở hữu trí tuệ trở thành một vấn đề chiến lược đối với việc tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Thậm chí cần phải đưa ra cả vấn đề những nguyên tắc chiến lược trong việc xác lập những tiêu chuẩn tương lai của thị trường nông sản Việt Nam.
Đây là một trong những tiêu điểm chú ý cần thiết để biến Việt Nam trở thành một nền kinh tế chuyên nghiệp. Nếu không thì mọi nỗ lực rời rạc đều trở nên vô ích. Cần phải có động lực để tập trung sự chú ý thoả đáng đến những đòi hỏi buộc phải biến Việt Nam thành một nền kinh tế chuyên nghiệp.
Câu chuyện cà phê Buôn Mê Thuột chỉ là một trường hợp cụ thể để thức tỉnh những ý thức chiến lược về xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp hiện đại.
Xin cảm ơn ông!
Continue Reading »

Kiến nghị áp thuế VAT trên giá bán vàng

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) hôm nay lại tiếp tục đề xuất áp thuế VAT ở mức 10% đối với việc mua vàng miếng và vàng nữ trang nhằm chấm dứt tình trạng đầu cơ, tích trữ lũng đoạn thị trường vàng hiện nay.
Người dân mua bán vàng miếng, vàng nữ trang cần phải chịu thuế VAT (theo phương pháp khấu trừ) ở mức 10% trên giá bán.
 
Cơn sốt vàng đã diễn ra gần 2 tháng vẫn chưa có biểu hiện chấm dứt, giá vàng trong nước luôn ở tình trạng cao hơn giá vàng thế giới từ 800.000 đồng/lượng đến 2 triệu đồng/lượng mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhiều lần cấp giấy phép nhập khẩu vàng.

VAFI cho rằng, thị trường vàng trong nước đang vàng bị lũng đoạn và đầu cơ và cần thiết phải có các biện pháp thật sự khả thi để nhanh chóng chấm dứt tình trạng vàng hóa nền kinh tế này.

Trong thư gửi Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước hôm nay, VAFI cho rằng, để xảy ra tình trạng này là do chưa tính thuế VAT 10% trên giá bán vàng như các loại hàng hóa khác và Bộ Tài chính chưa thật sự vào cuộc trong tiến trình chống vàng hóa.

Trong khi đó, những biện pháp như vay vàng trong dân để tăng dự trữ ngoại tệ và bình ổn thị trường vàng mà NHNN đang dự định áp dụng là “không khả thi và vô cùng tốn kém” và không có quốc gia nào áp dụng chính sách này.

Theo VAFI, người dân mua bán vàng miếng, vàng nữ trang phải chịu thuế VAT (theo phương pháp khấu trừ) ở mức 10%  trên giá bán. Có như vậy sẽ “chẳng còn ai có can đảm sở hữu vàng miếng nữa” và “làm gì có chuyện lũng đoạn thị trường vàng? Lại càng không có chuyện người dân đầu tư vào vàng, tích trữ vàng”.

Tuy nhiên, VAFI vẫn cho rằng giải pháp đơn giản nhất, tiết kiệm nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất là “NHNN đưa ra qui định cấm mua bán vàng miếng, NHNN tổ chức thu mua vàng miếng trong dân theo giá quốc tế”. Biện pháp này sẽ triệt tiêu được tình trạng lũng đoạn và đầu cơ trên thị trường vàng.

Bởi, thực tế vừa qua khi NHNN công bố Dự thảo cũ, trong đó có đề cập đến cấm mua vàng miếng thì thị trường vàng đã gần như mất thanh khoản, giá vàng trong nước luôn thấp hơn giá vàng quốc tế.

“Trong thời gian 5 tháng tồn tại Bản Dự thảo cũ, thị trường ngoại hối rất ổn định và cũng góp phần để NHNN mua được 6 tỷ USD tăng dự trữ quốc gia”, VAFI cho hay.

Vì thế, nếu đồng thuận cấm mua bán vàng miếng thì Bộ Tài chính cần thay đổi phương pháp tính thuế với kinh doanh vàng nữ trang từ phương pháp trực tiếp (0,3% trên giá bán vàng trang sức) sang phương pháp khấu trừ (10% thuế VAT trên giá bán).

Nếu không thì cần phải xem việc kinh doanh vàng miếng, vàng nữ trang gần như hàng tiêu dùng thông thường và áp thuế VAT ở mức 10%/giá bán khi người dân thực hiện mua vàng miếng, vàng nữ trang.
 
Nhật Linh
Continue Reading »

Xài sang bằng tiền ngân sách

Phần lớn các dự án bị đình hoãn là do các tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào trụ sở, văn phòng, mua sắm thiết bị đắt tiền, không phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh chính
Mặc dù đến thời điểm này, số liệu về cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư công còn có sự khác nhau giữa các bộ, ngành liên quan nhưng những con số được nêu ra đã phản ánh việc đầu tư dàn trải, lãng phí của một số doanh nghiệp (DN), tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Cắt giảm hơn 80.000 tỉ đồng

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT), tính đến cuối tháng 8/2011, tất cả các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương đều đã thực hiện và có báo cáo về kết quả cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư trong kế hoạch năm 2011.

Cụ thể, cả nước đã thực hiện ngừng khởi công, cắt giảm, điều chuyển vốn của 2.103 dự án với tổng số vốn là 6.532 tỉ đồng, trong đó ngừng khởi công 1.206 dự án với số vốn 3.768 tỉ đồng; cắt giảm, điều chuyển vốn của 897 dự án với số vốn 2.764 tỉ đồng.
 
Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam phải cắt giảm 4.787 tỉ đồng đầu tư công trong năm nay.

Còn về kế hoạch cắt giảm, số liệu tổng hợp của Bộ KH-ĐT cho biết đến hết tháng 5-2011, tổng số vốn đầu tư dự kiến cắt giảm, điều chuyển của cả năm là 80.550 tỉ đồng, bằng khoảng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm 2011.

Khu vực cắt giảm đầu tư nhiều nhất là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước. Chỉ riêng khu vực này đã thực hiện cắt giảm gần 40.000 tỉ đồng, bằng 10,7% kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2011 (349.848,4 tỉ đồng).

So với tổng vốn đầu tư của nhiều tập đoàn kinh tế như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), số tiền cắt giảm đầu tư là thấp nhưng con số tuyệt đối lại khá lớn. Cụ thể, EVN cắt giảm số vốn lên tới gần 12.160 tỉ đồng, PVN cắt giảm 7.251,6 tỉ đồng, TKV cắt giảm 4.787 tỉ đồng, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông cắt giảm 3.000 tỉ đồng…

Đáng lưu ý là theo Bộ KH-ĐT, phần lớn các dự án bị đình hoãn (tổng số tới 907 dự án) là do các tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào trụ sở, văn phòng, mua sắm thiết bị đắt tiền, không phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh chính. Trong số này có không ít trường hợp dự án khởi công năm 2011 nhưng chưa đủ điều kiện đầu tư như chưa rõ nguồn vốn, chưa đủ điều kiện giải phóng mặt bằng...

Trụ sở đẹp, bệnh viện xuống cấp

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh tỏ ý lo ngại khi qua việc cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11 cho thấy tiền từ ngân sách Nhà nước vẫn bị tiêu xài lãng phí.

Đối với DN, mục đích quan trọng nhất là phải tạo ra lợi nhuận từ vốn đầu tư. Bên cạnh đó, các DN Nhà nước còn có nhiệm vụ chính trị khác, tùy lĩnh vực hoạt động nhưng xây trụ sở to, văn phòng đẹp, mua sắm thiết bị đắt tiền không phải là những hoạt động vì mục đích nói trên.

Các DN Nhà nước hằng năm vẫn lập dự toán xây trụ sở, mua sắm thiết bị để nhận vốn đầu tư từ ngân sách, trong khi ở rất nhiều địa phương trong cả nước, người dân phải đu dây để vượt sông, học sinh phải bơi qua suối để đến trường vì không bố trí được vốn xây cầu, làm đường là nghịch lý cần giải quyết. Việt Nam là nước còn nghèo, phải vay nợ nước ngoài để đầu tư phát triển hạ tầng thì cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn bằng mọi cách.

Không nên tái diễn cảnh trụ sở DN đẹp nhưng trạm xá, bệnh viện xuống cấp. “Có những công trình mang dấu ấn lớn của đất nước như cầu Bãi Cháy, cầu Cần Thơ đi vào sử dụng, cả ngàn người dân sinh sống hai bên bờ sông hân hoan dự lễ thông xe nhưng phải nhiều năm mới bố trí được vốn”- TS Lê Đăng Doanh nói.

 Trong các tập đoàn, EVN là đơn vị cắt giảm đầu tư nhiều nhất. EVN cũng đứng đầu danh sách DN Nhà nước thua lỗ. Nhiều trường hợp không phải DN cắt giảm đầu tư mà là chuyển vốn từ dự án này sang dự án khác. Vấn đề này cần làm rõ, nhất là trong các DN Nhà nước  đang làm ăn thua lỗ.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Theo Phương Anh
NLĐ
Continue Reading »

Đãi vàng, nhặt sạn nghề thời thượng - PR/Event (Phần 1)

PR/Event là một ngành nghề mới mẻ và đầy hứa hẹn trong thời đại công nghiệp hiện nay, nhưng cũng còn nhiều khía cạnh trái chiều khiến chúng ta phải "chẻ tóc làm tư" để "đãi vàng, nhặt sạn".
Kỳ 1: Đãi vàng
Thuật ngữ PR/Event (gọi tắt là Event) thường được dùng để chỉ ngành Quan hệ công chúng/Tổ chức sự kiện. Với ưu thế mang tầm vóc hiện đại, cùng với tốc độ phát triển, sinh sôi chóng mặt của các công ty cung cấp dịch vụ, và nhu cầu sử dụng dịch vụ quảng bá thương hiệu ngày một tăng cao của nhiều doanh nghiệp, nghề Event thu hút được nguồn nhân lực đông đảo và hùng hậu, đa phần là những lao động trẻ.
 
Nguồn nhân lực chủ yếu trong ngành Event là lao động trẻ.
"Làm giàu không khó"
Không nói đến cái sự giàu như triệu phú hay tỉ phú, nhưng nếu ở mức rủng rỉnh hầu bao (sau khi đã đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống) thì thứ nghề thời thượng này có thể đáp ứng được cho rất nhiều đối tượng. Từ người làm event chuyên nghiệp, đến freelancer - người làm nghề tự do, và đặc biệt là sinh viên tìm việc làm thêm đều có thể kiếm thêm thu nhập từ công việc này.
 

Đây là công việc giúp kiếm thêm thu nhập cho nhiều đối tượng.
Với "dân" event chuyên nghiệp, lương cứng không phải là vấn đề quan tâm số một, mà điểm hấp dẫn họ gắn bó với nghề chính là sự kiện. Có thể nói, cứ có chương trình là có tiền, cứ "chạy show" là giàu. Ngân sách từ trên đổ xuống, quỹ từ dưới trích lên là món dọn sẵn thơm ngon trên bàn tiệc giúp chiếc ví tiền của họ tăng độ dày lên gấp bội. Còn với freelancer và sinh viên làm event, chạy chiến dịch là chiếc cần câu cơm cũng đang mùa thu hoạch.

Event là công việc bán thời gian nhưng lại sẵn có quanh năm.
Vân Anh (SV Đại học HN) cho chúng tôi một phép tính đơn giản: "Trung bình một chương trình quảng cáo thương hiệu hay sản phẩm kéo dài khoảng 1 tháng. Mỗi ngày làm PG ( phát quà em được 150.000đ, vậy nghĩa là em kiếm được 4.500.000đ/tháng, gấp 3-4 lần số tiền bố mẹ có thể gửi lên cho em."
Môi trường rèn luyện lý tưởng
Tổ chức sự kiện là ngành nghề mang đặc thù xã hội mở, nghĩa là để thực hiện được một chương trình, sự kiện đòi hỏi cần có sự giao tiếp, tương tác và kết hợp trong các công đoạn của nhiều đối tượng, nhiều thành phần thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Chính vì vậy, nguồn nhân lực trẻ tham gia làm event được "đi một ngày đàng học một sàng khôn", và họ không chỉ đi một ngày mà lại đi rất nhiều ngày. Những vấn đề khó khăn, khúc mắc, vấp ngã ban đầu đã dạy cho họ những kinh nghiệm sống và làm việc mà không một vị giáo sư, một khóa học, hay một cuốn sách nào có thể truyền đạt tốt hơn.
Hiện đang học năm cuối và làm thêm cho một công ty Event, Đức Dương (SV ngành thiết kế) chia sẻ: "Mặc dù đây là một công việc trái ngành, nhưng nó vừa giúp em kiếm thêm thu nhập, lại giúp em học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Em thấy mình tự tin, năng động hơn rất nhiều."
 

Nhiều bạn sinh viên làm event để trải nghiệm thực tế và vững vàng hơn.
Dễ dàng xin việc
Dù ngành nghề có hấp dẫn đến mức nào chăng nữa, nhưng lại đặt ra những yêu cầu cao và có đặc thù kén chọn nhân lực thì cũng không thể nằm trong "top ten" danh mục ưu tiên của người tìm việc. Tuy nhiên, không nhất thiết đòi hỏi bằng cấp hay kinh nghiệm lâu năm, mà chủ yếu tuyển nhân viên năng động, tháo vát, biết giao tiếp - đó là ưu điểm nổi trội của PR/Event. Đối với nhân lực trẻ, đây là những tiêu chí họ có thể dễ dàng đáp ứng.
Bên cạnh đó, "dân" event không bao giờ phải canh cánh nỗi lo thừa người, thiếu việc. Trong xu thế đổi mới và hiện đại, để đáp ứng nhu cầu phát triển thương hiệu nhằm cạnh tranh trong cuộc đua chiếm ưu thế trên thị trường, nhiều doanh nghiệp luôn phải đau đầu với những chiến lược quảng bá khi họ còn phải chú tâm vào chuyên ngành chính của cơ sở. Giờ đây, với sự trỗi dậy của các dịch vụ tổ chức sự kiện, doanh nghiệp có thể "chọn mặt gửi vàng" để bớt đi một gánh lo, mà việc quảng bá thương hiệu và sản phẩm lại được thực hiện một cách có hiệu quả hơn hẳn.
Ngoài ra, có không ít trường hợp những bạn trẻ chỉ từ làm thêm mà Event đã trở thành nghiệp chính. Trong khi cả xã hội đang đau đầu vì vấn đề đầu vào, đầu ra cho các trường đại học, những sinh viên mới tốt nghiệp chưa tìm được việc làm không có thời gian lo cho cái chung, cái toàn cục, họ vội vàng đi làm thêm để bớt gánh nặng cho gia đình trong thời gian chờ đợi một công việc như ý. Và nhiều người trong số họ, sau một thời gian gắn bó với nghề, đã nhận ra điều mình đang tìm kiếm lâu ngay lại "xa tận chân trời, gần ngay trước mắt".
Chính bởi những ưu điểm vượt trội như vậy, hiện nay, PR/Event đang là một ngành nghề thời thượng, có sức hút mạnh mẽ đối với nguồn nhân lực trẻ. Tuy nhiên, dẫu có đãi được ra nhiều vàng như vậy, liệu ở đây, chúng ta còn có thể nhặt ra được bao nhiêu sạn?

 
Continue Reading »

Thủ tướng yêu cầu bàn giao đất KCN cao Hòa Lạc


 
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu UBND TP Hà Nội tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, bàn giao toàn bộ diện tích đất theo quy hoạch cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc trước ngày 31/12/2011.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính ưu tiên bố trí cấp đủ vốn ngân sách nhà nước theo kế hoạch cho công tác GPMB, tái định cư và triển khai xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc để quy hoạch, bố trí các tuyến đường giao thông thuận lợi từ làn đường cao tốc và đường gom của Đại lộ Thăng Long vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc; báo cáo Thủ tướng về tình hình, dự kiến tiến độ xây dựng vượt Đại lộ Thăng Long để nối hai bên Khu công nghệ trong quý IV/2011.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Quản lý khẩn trương hoàn thành quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng trong năm 2011; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, hoàn thành trước 31/12/2012.

Được biết, Khu công nghệ cao Hòa Lạc rộng 1.586ha thuộc địa bàn 6 xã: Thạch Hòa, Đồng Trúc, Tân Xã, Hạ Bằng, Bình Yên (Thạch Thất) và Phú Cát (Quốc Oai). Tuy nhiên, đến nay diện tích đã được GPMB mới là 845ha, đạt 53%. Nguyên nhân một phần là do dự án có diện tích thu hồi lớn. Hầu hết diện tích đất thu hồi có nguồn gốc là đất quốc phòng, đất giao cho các hộ kinh tế mới, đất lâm nghiệp… không có bản đồ địa chính, hồ sơ để phục vụ công tác quản lý đất đai.
Continue Reading »

Bộ Tài chính - Công Thương bất đồng về điều hành giá xăng

Cho rằng bị sức ép bởi dư luận Bộ Tài chính điều hành giá xăng càng lúc càng rối, khiến doanh nghiệp lỗ nặng. Phản lại Bộ Tài chính khẳng định họ chịu trách nhiệm trước dân, nếu doanh nghiệp lỗ không kinh doanh được thì rút, dù cho đó là Petrolimex.
Buổi hội thảo về "Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường" tổ chức sáng nay biến thành cuộc tranh cãi gay gắt giữa đại diện 2 bộ Tài chính và Công Thương. Dù rằng, cuộc họp có sự góp mặt của hơn 20 chuyên gia đầu ngành và giới báo chí.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ (ảnh trái), Thứ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Cẩm Tú (ảnh phải).
Bộ Tài chính - Vương Đình Huệ với 10 năm kinh nghiệm trong ngành kiểm toán cho biết mục đích của cuộc hội thảo là để lắng nghe các ý kiến trái chiều liên quan đến mặt hàng nhạy cảm - xăng dầu. Trên cơ sở các số liệu công khai về lỗ lãi doanh nghiệp, biến động thị trường, các ý kiến đề xuất, Bộ Tài chính sẽ có các giải pháp điều hành hiệu quả trong thời gian tới.
Đại diện cho phía Bộ Công Thương có Thứ trưởng Bộ Nguyễn Cẩm Tú. Dù không có tên trong danh sách phát biểu, ông Tú xin có ý kiến vì cho rằng bức xúc của ông đã ở ngưỡng không thể tiếp tục kìm nén.
Ông Tú cho rằng cách điều hành giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam thời gian vừa qua mang tính nửa vời và chẳng giống ai. Nghĩa là không hẳn là bao cấp cũng chẳng thị trường. Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ Bộ Tài chính không xác định rõ mục tiêu là đảm bảo an ninh năng lượng hay bao cấp cho dân. Vì vậy mà càng điều hành thì càng rối, làm đúng cũng bị chửi, và bị dân coi như thể tội đồ.
Theo ông, chủ trương của Chính phủ đã rõ đó là đảm bảo nguồn cung ở mọi lúc, mọi nơi và mọi thời điểm. Nghĩa là mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng phải được đặt lên hàng đầu. Thế nhưng, do chưa xác định mục tiêu cụ thể nên điều hành xăng dầu của VN thời gian qua vẫn theo kiểu "bịt mắt bắt dê", thấy báo chí lên tiếng là sợ, không dám tăng giá bán lẻ dù thị trường thế giới biến động, doanh nghiệp trong nước lỗ nặng. Dẫn đến hậu quả cơ quan quản lý bị tiếng xấu, doanh nghiệp bị chửi vì suốt ngày chỉ biết kêu lỗ.
"Chúng ta đang điều hành giá xăng theo kiểu 'sống chết mặc bay', dùng tay chân thay cho cái đầu vì vậy mà lãnh đạo cấp cao chửi, báo chí chửi, làm đúng cũng bị chửi và dân thì coi như tội đồ", ông Tú bức xúc.
Theo ông Tú, thời gian qua, Bộ Tài chính điều hành giá xăng theo kiểu dư luận tới đâu, điều hành tới đó. Thành thử các mục tiêu cân đối cung cầu, hệ thống ra sao, doanh nghiệp lỗ lãi thế nào, xuất lậu ra sao đều bị bỏ qua. Khi giá tăng, không dám tăng, giá giảm thì không có cơ để giảm và rồi khi ban hành quyết định thì giá mới khác quá xa so với thế giới.
"Bộ Tài chính hứa bù lỗ cho doanh nghiệp bao lần nhưng hứa nhiều lại thất hứa. Tôi thật xấu hổ khi hứa quá nhiều với doanh nghiệp nhưng lại bất lực không làm được gì giúp họ cả trong khi vẫn yêu cầu đảm bảo nguồn cung", ông Tú nói.
Theo ông, chính cách điều hành kể trên đã dẫn đến hậu quả là cơ quan quản lý bất lực trước doanh nghiệp. Nếu giá không theo thị trường, không giải quyết các khoản lỗ cho doanh nghiệp thì sẽ dẫn đến các nguy cơ vỡ hệ thống, đứt nguồn cung... Vì vậy, việc tăng giá từng bước cần phải thực hiện. "Dân chửi cố mà nghe, vợ tôi chửi, anh em họ hàng nhà tôi chửi, tôi cũng phải chịu. Đây là cách tốt nhất có thể làm lúc này. Lý thuyết nhiều nhưng thực tế thì khác xa nhiều lắm", ông Tú nói thêm.
Bổ sung cho ý kiến của Thứ trưởng Tú, Tổng giám đốc Petrolimex - Bùi Ngọc Bảo cũng dẫn chứng một loạt các con số lỗ - lãi mà doanh nghiệp này phải chịu trước áp lực giá thế giới và cách điều hành quá rối rắm của Bộ Tài chính.
Ông Bảo cho biết suốt thời gian qua, giá bán lẻ của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với giá nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp luôn trong trạng thái lỗ trường kỳ. Tính tới tháng 8, Petrolimex lỗ 1.800 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 9 khoản lỗ của công ty ước khoảng 200 tỷ đồng nâng tổng số lỗ trong 9 tháng đầu năm lên 2.000 tỷ đồng. "Bộ Tài chính nên xem xét xử lý các khoản lỗ cho doanh nghiệp", ông Bảo nói.
Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu VN (PV Oil) - Lê Xuân Trình tiếp lời: "Các khoản lỗ này không phải do doanh nghiệp tạo ra mà do cơ chế".
Ông Trình đề xuất nên "thả" giá xăng, dầu theo thị trường giống như một số mặt hàng khác trong đó có gas. Vì khi giá theo thị trường "có lên, có xuống" người tiêu dùng sẽ cảm thấy sòng phẳng, doanh nghiệp cũng dễ thở hơn...
Tại buổi hội thảo, đại diện của Bộ Công Thương và một số doanh nghiệp cũng lớn tiếng chì chiết Bộ Tài chính về quyết định giảm giá bán lẻ xăng dầu 500 đồng hồi cuối tháng 8 vừa qua. Lý do là, quyết định này quá bất ngờ và nó không phản ánh đúng thực tế của thị trường. Tại thời điểm tháng 7/2011 khi giá thế giới giảm mạnh, doanh nghiệp lãi, Bộ Tài chính "lờ" chuyện giảm giá. Khi giá thế giới tăng trở lại (tháng 8/2011), doanh nghiệp lỗ, quyết định giảm giá lại được đưa ra. Thậm chí có ý kiến nói rằng việc đột ngột giảm giá này có yếu tố chính trị nhiều hơn là đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Bằng thái độ khá bình tĩnh, người đứng đầu ngành tài chính Vương Đình Huệ nói rằng quyết định giảm giá bán lẻ được ông căn cứ vào đúng quy định của Luật, diễn biến thực tế của thị trường. Và nếu vì động cơ chính trị, ông đã giảm giá ngay thời điểm đảm nhận vị trí Bộ trưởng Tài chính - giai đoạn mà dư luận bức xúc nhất về giá xăng dầu, chứ không phải đợi đến 20 ngày sau mới ra quyết định.
Ông Huệ tiết lộ, tại thời điểm giảm giá xăng dầu, ông đã mời Chủ tịch Petrolimex lên để hỏi: "Có giảm giá hay không?". Lúc ấy, Petrolimex đã lãi tới 780 đồng mỗi lít xăng, chưa kể lợi nhuận định mức 300 đồng. Khoản lãi của Petrolimex cũng được ông Huệ cập nhật từ chính số liệu của hải quan. "Tôi ra quyết định giảm giá và tôi chịu trách nhiệm cá nhân. Chúng tôi không quan liêu mà sau mỗi quyết định là cả tập thể lãnh đạo", ông Huệ nói.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng với kinh nghiệm 10 năm kiểm toán ông thuộc các số liệu lỗ lãi của doanh nghiệp như lòng bàn tay. Điều này có nghĩa, ông thừa hiểu các nhà nhập khẩu xăng dầu lỗ hay lãi và sức chịu đựng của họ đến đâu. "Không ai muốn tăng giá xăng cả vì tác động đến lạm phát ảnh hưởng tới 80 triệu dân. Việc giảm giá cũng vậy, không ai lại bỏ qua khi có cơ hội giảm", ông Huệ chia sẻ.
Theo ông, sở dĩ giá xăng dầu chưa thể "thả" theo thị trường ngay được vì vẫn còn tồn tại độc quyền. Ba doanh nghiệp đang chiếm trên 90% thị phần trong đó có Petrolimex (trên 60%) và PV Oil. Nếu 3 doanh nghiệp này "đi đêm" với nhau thì doanh nghiệp khác chết, người tiêu dùng sẽ chịu thiết.
"Bộ Tài chính không bỏ qua doanh nghiệp nào cả. Nếu cách điều hành của chúng tôi gây thiệt hại cho doanh nghiệp chúng tôi chịu trách nhiệm và bồi thường. Nếu doanh nghiệp nào không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được nhà nước", ông Huệ tỏ thái độ.
Năm 2008, Nhà nước đã trích trên 4.600 tỷ đồng để bù lỗ cho doanh nghiệp. Theo bộ trưởng Huệ, sự hy sinh của Nhà nước chẳng ai đề cập tới, trong khi doanh nghiệp chỉ biết kêu lỗ mà không biết chia sẻ với người tiêu dùng.
Ông Huệ cảnh báo tới đây, Bộ Tài chính sẽ liên tục có "trát" yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo lỗ lãi, các hoạt động kinh doanh ở bất cứ thời điểm nào
Liên quan đến ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, ông Huệ cũng thẳng thắn: Bảo đảm nguồn cung, bình ổn, hoạt động kinh doanh... trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương. Việc vỡ hay không vỡ hệ thống không thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng đã vận hành 100% công suất là nguồn dự trữ cho thị trường nội địa.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ chốt lại: Từ nay đến cuối năm sẽ không có chuyện tăng giá và cũng không nên tăng giá bán lẻ xăng dầu mà sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn. Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước sẽ bù lỗ.
<>Hồng Anh
Continue Reading »

Dịch vụ “văn phòng ảo” nở rộ tại Việt Nam

Dịch vụ kinh doanh văn phòng ảo chính thức du nhập vào Việt Nam từ năm 2006, khi công ty lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này - Regus - lập chi nhánh tại Hà Nội.
Các doanh nghiệp trong nước đang chạy đua kinh doanh dịch vụ cho thuê văn phòng ảo
 
Nhưng mục tiêu chính của Regus tại thời điểm đó là phục vụ các khách hàng nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam và khách hàng Việt Nam muốn có văn phòng làm việc tại nước ngoài. Năm 2007, nhà cung cấp dịch vụ văn phòng ảo Việt Nam đầu tiên G-Office chính thức khai trương dịch vụ, với nhiều đối tượng khách hàng đa dạng hơn.

Hai ba năm trở lại đây, xu hướng các doanh nghiệp nhỏ, công ty tư vấn và nhà hoạt động độc lập sử dụng văn phòng ảo ngày càng nhiều, đặc biệt từ sau cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới năm 2008. Do vậy, số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê hấp dẫn này ở Việt Nam cũng tăng mạnh theo.

Tại TP. HCM hiện đã có hơn 30 doanh nghiệp làm nghề này. Ở Hà Nội và Đà Nẵng, mỗi nơi cũng có khoảng 4 công ty cho thuê văn phòng ảo. Trong đó, chiếm số đông là các doanh nghiệp trong nước. Điều này cho thấy, dịch vụ văn phòng ảo đang trở thành xu thế mới thay thế kiểu văn phòng truyền thống, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ.

Thêm vào đó, đại diện một số công ty cung cấp dịch vụ cho biết, do trong năm 2011, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, không ít doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô hoặc tuyên bố phá sản do không duy trì được chi phí hoạt động tối thiểu. Do đó, nhiều công ty không đòi hỏi bắt buộc phải có mặt bằng kinh doanh đã chuyển sang thuê văn phòng ảo để tiết giảm chi phí.

Chị Nguyễn Thị Trang, đại diện Công ty TNHH Kaolin Việt Nam, cho biết sau nhiều lần tìm kiếm địa điểm để thuê văn phòng tại khu vực quận 1, Tp.HCM nhưng không được do giá quá đắt. Bởi vậy, công ty chị đã quyết định chọn thuê dịch vụ văn phòng ảo để giảm bớt chi phí.

Theo chị Trang, doanh nghiệp chỉ phải bỏ ra một khoản chi phí từ 1 - 2,5 triệu đồng/ tháng là cũng có được địa điểm làm việc tại khu vực trung tâm thành phố với nhiều dịch vụ chuyên nghiệp như lễ tân, chuyển nhận thư từ, phòng họp riêng…

Một số cuộc nghiên cứu và khảo sát cho thấy, thị trường cho thuê văn phòng ảo trong nước đang ngày một phát triển bởi chi phí hợp lý và ngày một chuyên nghiệp hơn. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ bước đầu đã có tiếng trên thị trường như G-Office, PSO, Fimexco, S-Office…

Ngoài mức giá trung bình từ 50 - 120 USD (tùy gói lựa chọn của khách hàng), chỉ bằng khoảng 20% chi phí thuê văn phòng thông thường, nhiều nhà cung cấp còn tung ra các “chiêu” khuyến mãi hấp dẫn, như i-Office giảm giá 10% cộng đặt bảng tên công ty dưới đại sảnh tòa nhà nếu thanh toán tiền thuê cả năm, S-Office khuyến mại giảm giá 30%...

Theo TS. Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học - Kinh tế ứng dụng, Luật Doanh nghiệp không quy định địa chỉ kinh doanh cũng phải là nơi làm việc và nơi làm việc phải có diện tích tối thiểu bao nhiêu mét vuông, và hiện cũng không có thông tư, nghị định nào không cho phép doanh nghiệp kinh doanh văn phòng ảo.

Nhờ đó, ông Hiển cho biết, dịch vụ cho thuê văn phòng ảo đã và đang nở rộ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhỏ, văn phòng đại diện trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay.

Theo Minh Anh
VnEconomy
Continue Reading »

Hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phi sản xuất

Thủ tướng vừa có chỉ thị về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTNN), trong đó yêu cầu hạn chế các dự án đầu tư vào khu vực phi sản xuất.
Ngoài ra, theo Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu không cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Chỉ thị nêu rõ, năm 2010, mặc dù tình hình kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều biến động phức tạp, song hoạt động ĐTNN vẫn đạt được những kết quả khả quan trong việc giải ngân vốn, xuất khẩu, nộp ngân sách, tạo việc làm… góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội giai đoạn 2006-2010.
Sẽ hạn chế các dự án đầu tư nước ngoài vào khu vực phi sản xuất (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có không ít bất cập trong thu hút và quản lý ĐTNN thời gian qua chậm được khắc phục. Điển hình là tình trạng cấp Giấy chứng nhận đầu tư không phù hợp quy hoạch còn diễn ra ở một số địa phương, đặc biệt là trong các dự án sân gôn, trồng rừng, sản xuất thép, khai thác khoáng sản...
Nhiều dự án chưa được thẩm tra, xem xét kỹ các tiêu chí về kỹ thuật, công nghệ, môi trường, lao động... dẫn đến chất lượng các dự án chưa cao, thiếu sự liên kết giữa ĐTNN và doanh nghiệp trong nước.
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của nhà đầu tư về tiến độ góp vốn, huy động vốn, cũng như hoạt động xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động và nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước chưa tốt, thiếu sự phối hợp giữa Bộ, ngành, địa phương...
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các địa phương quán triệt và tập trung thực hiện tốt công tác quản lý ĐTNN giai đoạn 2011-2020.
Trong đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả ĐTNN theo hướng khuyến khích kinh tế có vốn ĐTNN phát triển theo quy hoạch; ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai, tạo điều kiện và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước; tập trung thu hút vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức cao, công nghệ thông tin...
Đặc biệt, hạn chế các dự án đầu tư vào khu vực phi sản xuất. Không cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Chỉ thị của Thủ tướng cũng nêu rõ một số giải pháp chủ yếu thực hiện như xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng; nâng cao chất lượng và  hiệu quả công tác quy hoạch.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý dòng vốn ĐTNN (chuyển vốn vào Việt Nam, vay, trả nợ nước ngoài, vay các tổ chức tín dụng trong nước của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN); nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm hạn chế và ngăn chặn tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐTNN, đặc biệt là việc thanh tra, kiểm tra, giám sát. Chú trọng xem xét, đánh giá lợi ích kinh tế xã hội của dự án, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến công nghệ, môi trường sinh thái, phát triển nguồn nhân lực, tác động đến cộng đồng dân cư, sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, thị trường, đối tác…
Lan Hương
Continue Reading »

Giá điện, xăng dầu sẽ theo cơ chế thị trường


 
Trong tương lai chắc chắn giá điện, xăng dầu, than dần dần cũng sẽ được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, Nhà nước chỉ can thiệp trong những điều kiện đặc biệt, để đảm bảo kinh tế vĩ mô cũng như an sinh xã hội”.
Đó là khẳng định của ông Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính khi trả lời báo chí bên lề Hội  thảo Điều hành xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam, vừa diễn ra sáng nay (20/9) tại Hà Nội.

- Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta nên trao quyền quyết định giá xăng dầu cho doanh nghiệp. Ông có nhận định thế nào về vấn đề này?

Chúng ta gặp khó khăn cao về tình hình kinh tế thế giới và trong nước, đặc biệt là vấn đề lạm phát. Cho nên thả nổi giá xăng dầu theo cơ chế thị trường sẽ rất ảnh hưởng đến việc ổn định kinh tế vĩ mô.

Còn trong tương lai chắc chắn giá điện, xăng dầu, than dần dần cũng sẽ được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, Nhà nước chỉ can thiệp trong những điều kiện đặc biệt, để đảm bảo kinh tế vĩ mô cũng như an sinh xã hội.

Sắp tới đây, Bộ Tài chính sẽ yêu cầu các cơ sở đầu mối xăng dầu báo cáo toàn bộ tình hình thực trạng kinh doanh xăng dầu từ đầu năm đến nay, nhất là thời điểm từ tháng 1/2011 đến 25/8 khi Bộ Tài Chính điều chỉnh giá và từ 25/8 đến nay, cùng với đó là những tính toán về quỹ bình ổn xăng dầu. Từ đó, Bộ sẽ có những bước đi phù hợp theo đúng yêu cầu và chỉ đạo của Chính phủ.

- Hiện tại có khá nhiều thông tin trái chiều về chuyện lỗ lãi của các doanh nghiệp kinh doanh
 Ảnh minh họa
 Ông Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính (ở giữa) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: MH
xăng dầu, vậy với tư cách là một nhà quản lý ông đánh giá như thế nào về những thông tin này?
Để đánh giá được những thông tin này chứng ta cần phải chờ những báo cáo chính thức từ các doanh nghiệp. Để từ đấy Bộ có thể đưa ra những nhận định và tìm ra những nguyên nhân cụ thể, như: lỗ là do đâu?

- Vậy theo ông, việc tăng giá xăng dầu phải giải quyết như thế nào để tránh việc gây sốc cho thị trường, cũng như giải được bài toán ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đặt ra?

Tôi cho rằng, vấn đề này phải tùy thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô, lạm phát. Khi  tất cả những vấn đề này đi vào ổn định, thì chúng ta mới đưa các mặt hàng như xăng dầu, điện theo cơ chế thị trường.

Ngoài ra, Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay cũng có thể cần thiết nhưng khi đó sẽ thay đổi cách sử dụng để đảm bảo minh bạch, với mục đích Nhà nước sẽ tập trung sử dụng quỹ này cho tốt.

Nhưng có thể khẳng định rằng, dù có đề ra giải pháp nào thì điều quan trọng hàng đầu là các đầu mối nhập khẩu xăng dầu, vẫn phải đặt mục tiêu chính là đảm bảo dự trữ lưu thông bình thường theo quy định của nhà nước. Vì Nhà nước và người dân đã chia sẻ với các doanh nghiệp thì các doanh nghiệp cũng phải chia sẻ với nhà nước và người dân.

Nhà nước và người dân sẵn sàng chia sẻ những thua lỗ và thiệt hại kinh tế của doanh nghiệp, nếu những thua lỗ đó là lý do khách quan. Nhưng chắc chắn sẽ không thể chấp nhận bất cứ một chi phí nào, một khoản nào mà do doanh nghiệp gây ra mà đổ cho Nhà nước và người dân gánh chịu.

- Hiện tại giá xăng dầu thế giới và trong nước đã chênh lệch rất lớn, khiến khoản giá cơ sở và chiết khấu hoa hồng của các đại lý trở nên kém minh bạch, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Giá cơ sở được tính trên giá xăng dầu thành phẩm, chứ không phải giá dầu thô. Có thể thấy rằng, hàng ngày khi các phương tiện thông tin đại chúng thường công bố giá dầu thô liên tục thay đổi, đã làm cho người tiêu dùng và người dân bức xúc rằng: “tại sao giá dầu thì giảm như vậy mà các doanh nghiệp trong nước lại không có động tĩnh nào cả”.

Chúng ta phải hiểu rằng, giá dầu thô và giá thành phẩm thì có diễn biến không theo một quy luật nào cả vì có rất nhiều yếu tố chi phối.

- Vậy có mâu thuẫn gì không khi Chính phủ đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, nhưng lại đưa một số mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường?

Tôi nghĩ không có gì mâu thuẫn ở đây cả. Không phải bây giờ Việt Nam mới tăng cường kiểm soát, mà các nước phát triển cũng có những điều khoản khắt khe về kiểm soát các lĩnh vực về định chế ngân hàng và giá, chứ không phải mỗi Nhà nước Việt Nam mới làm việc đó.

- Theo ông Quỹ bình ổn giá xăng dầu có nên chuyển về cho Nhà nước quản lý?

Tôi nghĩ rằng nếu tồn tại quỹ này thì thời gian tới phải giao cho một cơ quan quản lý. Tuy nhiên đã là quỹ thì phải có “két” và ai là người giữ? Ai là người cầm chìa khóa? Rồi quản lý thu chi nhập xuất như thế nào?

Đặc biệt, khi có quỹ trong tay đủ mạnh thì các biện pháp bình ổn giá sẽ tốt hơn. Mọi thứ chúng ta nên ổn định. Bộ Tài chính sẽ làm hết sức mình để làm tốt công tác quản lý giá và điều hành.

- Xin cảm ơn ông!


Minh Hường - (ghi)
Continue Reading »

Thế giới sẽ cần thêm 27.800 máy bay trong 20 năm tới


 
Theo dự báo thị trường toàn cầu mới đây của Airbus, sẽ có hơn 26.900 máy bay chở khách (trên 100 chỗ) và hơn 900 máy bay chở hàng mới, với tổng giá trị khoảng 3.500 tỷ đô la đi vào hoạt động trong vòng 20 năm tới.

Số lượng máy bay chở khách trên thế giới sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2030, khoảng 31.500 chiếc, thay vì 15.000 chiếc hiện nay. Trong số này, 27.800 chiếc mới sản xuất để thay thế hơn 10.500 máy bay cũ ít "hiệu quả sinh thái".

Xét trên quan điểm địa lý, khu vực châu Á -Thái Bình Dương chiếm khoảng 34% nhu cầu trong vòng 20 năm tới, tiếp theo là Châu Âu (22%) và Bắc Mỹ (22%).

Airbus ước tính doanh thu trên tổng số chặng bay chở hành khách (RPK) đạt mức tăng trưởng trung bình 4,8% mỗi năm. Điều này cho thấy chặng đường chuyên chở sẽ dài hơn gấp đôi trong hai thập kỷ tiếp theo.

Hãng sản xuất máy bay này cũng cho biết, nhu cầu máy bay mới sẽ được tương trợ do sự gia tăng dân số thế giới và cùng với gia tăng sức mua, sự tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi, tăng trưởng liên tục của Bắc Mỹ và Châu Âu, sự đô thị hóa mạnh mẽ và gia tăng gấp đôi các thành phố năm 2030.

Nhu cầu cũng sẽ được đẩy lên mạnh mẽ bởi việc tiếp tục mở rộng của các hãng hàng giá rẻ và thay thế cần thiết của máy bay cũ bằng máy bay "sinh thái" mới.

Với hàng loạt dự báo như vậy, nhà sản xuất máy bay Airbus có thể sẽ xem xét lại dự án của mình cho một phiên bản tầm quy mô hơn của A380 vào cuối thập kỷ này. John Leahy, Giám đốc thương mại của Airbus cho hay, hãng kỳ vọng tiêu thụ hết 1.200 chiếc A320 NEOs trong năm nay.

Quế Anh - (Theo Reuters)
Continue Reading »

Thủ tướng chấn chỉnh quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài


 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có Chỉ thị 1617/CT-TTg yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTNN).
Chỉ thị nêu rõ, ngày 7/4/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP về định hướng, giải pháp thu hút và quản lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới. Việc thực hiện Nghị quyết trong thời gian qua đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động ĐTNN.

Năm 2010, mặc dù tình hình kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều biến động phức tạp, song hoạt động ĐTNN vẫn đạt được những kết quả khả quan trên các mặt như vốn giải ngân, xuất khẩu, nộp ngân sách, tạo việc làm, góp phần cải thiện cán cân thanh toán và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2006-2010.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, những bất cập trong thu hút và quản lý ĐTNN thời gian qua chậm được khắc phục. Tình trạng cấp Giấy chứng nhận đầu tư không phù hợp quy hoạch còn diễn ra ở một số địa phương, đặc biệt là trong các dự án sân gôn, trồng rừng, sản xuất thép, khai thác khoáng sản... Nhiều dự án chưa được thẩm tra, xem xét kỹ các tiêu chí về kỹ thuật, công nghệ, môi trường, lao động... dẫn đến chất lượng các dự án chưa cao, thiếu sự liên kết giữa ĐTNN và doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của nhà đầu tư về tiến độ góp vốn, huy động vốn, cũng như hoạt động xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động và nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước chưa tốt, thiếu sự phối hợp giữa Bộ, ngành, địa phương...

Trước tình hình đó, nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt và tập trung thực hiện công tác quản lý ĐTNN giai đoạn 2011-2020.

Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường

Cụ thể, nâng cao chất lượng, hiệu quả ĐTNN phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 theo hướng khuyến khích kinh tế có vốn ĐTNN phát triển theo quy hoạch; ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai, tạo điều kiện và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước; tập trung thu hút vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức cao, công nghệ thông tin...

Hạn chế các dự án đầu tư vào khu vực phi sản xuất. Không cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐTNN để đảm bảo chất lượng của hoạt động này trong tình hình mới. Hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về ĐTNN nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong toàn bộ quá trình cấp Giấy chứng nhận đầu tư, quản lý dự án và kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư.

Nâng cao hiệu quả quản lý dòng vốn ĐTNN

Chỉ thị của Thủ tướng cũng nêu rõ một số giải pháp chủ yếu thực hiện. Trong đó giải pháp hàng đầu là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút ĐTNN giao đoạn 2011-2020; nâng cao chất lượng và  hiệu quả công tác quy hoạch từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt đến quản lý quy hoạch; hoàn thiện, nâng cao hiệu quả chế độ phân cấp quản lý ĐTNN, bao gồm việc phân cấp cấp Giấy chứng nhận đầu tư, quản lý hoạt động ĐTNN và phân cấp quản lý một số lĩnh vực (môi trường, đất đai, xây dựng, khoáng sản, công nghệ, thương mại, giáo dục đào tạo, y tế) theo hướng phân cấp nhưng phải đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả, gắn với việc thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý dòng vốn ĐTNN (chuyển vốn vào Việt Nam, vay, trả nợ nước ngoài, vay các tổ chức tín dụng trong nước của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN); nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm hạn chế và ngăn chặn tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐTNN, đặc biệt là việc thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật chuyên ngành đối với các dự án ĐTNN có quy mô lớn, sử dụng nhiều đất, các dự án khai thác tài nguyên, khoáng sản, kinh doanh bất động sản, sử dụng nhiều năng, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...

Nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư theo nguyên tắc tuân thủ quy hoạch tổng thể phát triển các vùng kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu... Chú trọng xem xét, đánh giá lợi ích kinh tế xã hội của dự án, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến công nghệ, môi trường sinh thái, phát triển nguồn nhân lực, tác động đến cộng đồng dân cư, sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, thị trường, đối tác.

Báo cáo Thủ tướng kết quả theo đúng tiến độ

Chỉ thị cũng nêu một loạt các Đề án mà Thủ tướng giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao quán triệt và tổ chức thực hiện theo phân công nhằm góp phần nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng vốn ĐTNN trong từng lĩnh vực, Trong đó:

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, UBND các địa phương xây dựng Đề án định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý ĐTNN giai đoạn 2011-2020; xây dựng Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quy hoạch, hoàn thành trong quý II/2012...

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND các địa phương xây dựng Đề án nâng cao chất lượng đầu tư, hiệu quả quản lý nhà nước và định hướng ĐTNN trong các ngành công nghiệp hỗ trợ, điện, thương mại giai đoạn 2011-2020, hoàn thành trong tháng 5/2012; rà soát lại các quy hoạch sản xuất và công bố định hướng thu hút ĐTNN theo ngành, lĩnh vực, địa phương, vùng lãnh thổ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, UBND các địa phương xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, môi trường và sử dụng tài nguyên, khoáng sản của dự án ĐTNN, hoàn thành trong tháng 5/2012.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thiện và ban hành cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc thẩm tra, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐTNN ở địa phương, hoàn thành trong quý I/2012.

Bên cạnh đó, kiểm tra giám sát chặt chẽ Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong việc tuân thủ quy trình, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư, việc thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong quá trình thực hiện dự án.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan xem xét thận trọng quá trình thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện của các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đảm bảo các dự án thực hiện đúng tiến độ, đúng cam kết và pháp luật, cũng như chủ động phát hiện và xử lý các vấn đề có thể xảy ra khiếu nại, tranh chấp.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện với Thủ tướng Chính phủ theo đúng tiến độ, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp và đề xuất định hướng chính sách nhằm nâng cao hiệu quả thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ĐTNN giai đoạn 2011-2020 trình Thủ tướng Chính phủ.

(Theo Chinhphu.vn)
Continue Reading »

Tổng công ty Thép có thể bán 29% vốn cho đối tác ngoại

Sau khi cổ phần hóa, sở hữu Nhà nước tại VnSteel vẫn lên tới gần 94%. Doanh nghiệp đang ráo riết tìm kiếm đối tác ngoại để bán đi gần một phần ba số cổ phần này
Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) vừa tổ chức Đại hội cổ đông thành lập doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa vào sáng 20/9. Trước đó, doanh nghiệp này đã tiến hành IPO và bán được hơn 41 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư, người lao động và công đoàn. Như vậy, căn cứ vốn điều lệ được phê duyệt là 6.780 tỷ đồng (tương đương 678 triệu cổ phần), cổ đông Nhà nước vẫn sẽ nắm gần 94% cổ phần tại Tổng công ty Thép.
Tổng giám đốc VnSteel Lê Phú Hưng hy vọng có thể bán tối đa 29% cổ phần cho đối tác ngoại. Ảnh: Nhật Minh
Tổng giám đốc VnSteel Lê Phú Hưng hy vọng có thể bán tối đa 29% cổ phần cho đối tác ngoại. Ảnh: Nhật Minh
Trong khi đó, theo phương án cổ phần hóa được Thủ tướng phê duyệt, cổ đông Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ khoảng 65% cổ phần tại Tổng công ty. Do vậy, để đạt được mục tiêu, VnSteel dự kiến sẽ chào bán tối đa 29% cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài.
“Tỷ lệ cổ phần và phương án chào bán sẽ còn phải được Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng sẽ hoàn tất việc lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài trong quý IV/2012”, ông Lê Phú Hưng, Tổng giám đốc VnSteel cho biết.
Nếu mức chào bán nói trên được phê duyệt và doanh nghiệp tìm được đối tác mua, VnSteel sẽ là một trong những tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có tỷ lệ nắm giữ sau cổ phần hóa của cổ đông ngoại lớn nhất từ trước đến nay. Trước đó, Tập đoàn Bảo Việt cũng đã có thỏa thuận bán tối đa 25% cổ phần cho Ngân hàng HSBC (tỷ lệ nắm giữ tối đa của cổ đông nước ngoài tại công ty đại chúng hiện bị giới hạn ở mức 49%, riêng ngân hàng là 30%).
Để thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư ngoại, đại diện VnSteel cho biết ngay trong tháng 10 tới, lãnh đạo Tổng công ty sẽ có chuyến làm việc tại Nhật để tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành thép của nước này như Nipon Steel, JSE, Tokyo Steel, Kobe Steel, Mitsubishi, Marubeni - Itochu…
Ngoài ra, VnSteel cũng đang tiếp xúc với một số đối tác khác tại Nga như Novolipetsk Steel, Evraz Group SA… Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Lê Phú Hưng, các đối tác Nhật vẫn được lãnh đạo Tổng công ty kỳ vọng nhiều nhất bởi khả năng hợp tác lâu dài trên cương vị là thành viên hội đồng quản trị.
Sau khi ký được hợp đồng với đối tác chiến lược, đại diện Tổng công ty Thép cho biết sẽ tiến hành tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp lên 8.000 đồng. Cùng với đó là đưa cổ phiếu lên niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TP HCM.
Đánh giá về kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm, ông Lê Phú Hưng thừa nhận ngành thép nói chung và VnSteel nói riêng đang gặp nhiều khó khăn do kinh tế, đặc biệt là thị trường xây dựng suy giảm. Sản lượng thép tiêu thụ của doanh nghiệp, do đó giảm khoảng 3% so với cùng kỳ 2010.
Tuy nhiên, theo tính toán của lãnh đạo Tổng công ty, doanh thu cả năm 2011 của VnSteel vẫn sẽ đạt khoảng 3.700 tỷ đồng, tương đương với kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước và sau thuế, do đó lần lượt đạt 180 tỷ và 150 tỷ đồng. Sau khi cổ phần hóa, doanh nghiệp dự kiến trả cổ tức 700 đồng trên mỗi cổ phiếu trong năm nay.
Nhật Minh
Continue Reading »

Giá vàng diễn biến khó lường

Giá vàng thế giới chiều 17-9 tăng mạnh thêm 22,7 USD lên mức 1.812,50 USD/ounce, kéo theo giá vàng  giao dịch trong nước ngày hôm nay cũng tăng lại 600.000 đồng/lượng.

Giá vàng trong nước biến động mạnh theo giá thế giới trong thời gian gần đây - Ảnh: THANH ĐẠM

Theo đó, vàng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn mua vào đã tăng lên 47,05 triệu đồng/lượng, bán ra 47,25 triệu đồng/lượng.
Vàng SBJ của Công ty vàng bạc đá quý Sacombank mua vào 47,09 triệu đồng/lượng, bán ra 47,22 triệu đồng/lượng.
Còn vàng Phượng hoàng PNJ-DAB của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận mua vào trong ngày cuối tuần ở mức 47,05 triệu đồng/lượng, bán ra 47,23 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội, vàng rồng Thăng Long 999,9 mua vào 47,07 triệu đồng/lượng, bán ra 47,30 triệu đồng/lượng. 
Trong khi đó, kết thúc phiên giao dịch tại thị trường New York, giá vàng đã đạt mức 1.821 USD/ounce; mức giá thấp nhất của vàng trong tuần đã có lúc rơi xuống tới 1.761 USD nhưng sau đó dần dần hồi phục lên mức cao trên 1.800 USD.
Quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust hôm qua đã mua thêm 10,6 tấn vàng để nâng mức nắm giữ lên 1.251,90 tấn.
Vấn đề nợ công châu Âu vẫn đang khiến các nhà đầu tư lo ngại. Theo TTXVN, các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới đã nhất trí chung tay hành động để cứu giúp các ngân hàng khu vực đồng euro (Eurozone) đang gặp khó khăn, tạo cho họ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận những nguồn tài trợ bằng đồng USD.
Đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ tăng mạnh
Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua tại Mỹ tăng mạnh nhất kể từ tháng 6-2011, thị trường nhà đất vẫn đóng băng, hàng tồn kho nhiều, người tiêu dùng vẫn thắt chặt hầu bao... là những minh chứng cụ thể cho thấy kinh tế Mỹ tuy đang phục hồi nhưng vẫn khá mong manh.
Đó là một trong những lý do khiến không ít chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế Mỹ có khả năng lại rơi vào suy thoái. Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, một số chuyên gia khẳng định cho dù tại cuộc họp thường kỳ vào tuần tới, FED có hành động gì chăng nữa cũng không thể đảo ngược được tình thế.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết sẽ phối hợp với 4 ngân hàng lớn gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Anh, Ngân hàng Nhật Bản và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ bơm một khối lượng lớn đồng bạc xanh (chứ không phải đồng euro) vào các ngân hàng châu Âu, đủ cho những ngân hàng thương mại này hoạt động đến hết năm.
Mục tiêu chính của sự hợp tác quốc tế hiếm hoi trên là nhằm xua tan những mối lo ngại rằng các ngân hàng thương mại trong Eurozone có nguy cơ trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng nợ công đã và đang hoành hành khu vực này kể từ đầu năm ngoái.
Theo kế hoạch vừa thỏa thuận, bắt đầu từ tháng 10 FED sẽ cùng 4 ngân hàng trên bơm một lượng USD không hạn chế vào ECB, sau đó ECB sẽ giải ngân cho các ngân hàng thương mại châu Âu đang gặp khó khăn. Các ngân hàng thương mại châu Âu sẽ được vay USD theo nhu cầu với thời hạn 3 tháng thay vì giới hạn một tuần như hiện nay.
Đây là hình thức cứu trợ mà FED từng áp dụng năm 2007 và tháng 5-2010 để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Với gói cứu trợ này, các ngân hàng châu Âu sẽ có thêm thời gian để xoay xở với những khoản tiền nợ lớn mà Hi Lạp, Ireland và một số nước châu Âu không có khả năng thanh toán. Một số ngân hàng này hiện không có đủ tiền duy trì những hoạt động hằng ngày vì các ngân hàng đối tác không tiếp tục cho vay.
Ngay trước khi được công bố, thông tin về chiến dịch cứu trợ hiếm hoi này đã tác động tích cực tới thị trường và cổ phiếu châu Âu, vốn liên tục chao đảo trong vài tuần qua do giới đầu tư lo ngại một số ngân hàng không còn đủ USD để thực hiện các cam kết của mình. Chỉ số chứng khoán chủ chốt tại Pháp và Đức đã tăng 3,1% và đồng euro cũng tăng giá gần 1% so với đồng USD.
Quyết định bơm tiền vào hệ thống ngân hàng châu Âu, chứ không phải hệ thống ngân hàng tại Mỹ, được nhìn nhận là một bước đi đúng đắn của FED. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại không giống như 4 ngân hàng trung ương chỉ dùng các khoản tiền họ có để tài trợ cho ECB, FED có thể lại chọn phương án in thêm tiền và việc làm đó sẽ càng khiến đồng USD mất giá.
H.NHỰT - TTXVN
Continue Reading »

9 cách trang trí hành lang đẹp lạ

Hãy biến hành lang đơn điệu nhà mình trở thành một không gian độc đáp, ấn tượng và không kém phần đẹp mắt với 9 ý tưởng dưới đây nhé!
Hành lang cũng là một trong số những khu vực cần được gia chủ “chăm chút” trong ngôi nhà, bởi nó là nơi đón chào những vị khách của bạn. Tuy nhiên, một số người lại chưa thực sự đầu tư cho không gian này, một số lại đã nhàm chán với cách bài trí quen thuộc, nhàm chán qua thời gian…

Nếu muốn thiết kế cho hành lang nhà mình với một phong cách độc đáo, ấn tượng và không kém phần đẹp mắt, bạn hãy cùng chuyên mục Nhà đẹp tham khảo 9 ý tưởng lạ mắt này nhé!

Tìm thấy cả thế giới trên hành lang nhà bạn

Có thể bạn sẽ cảm thấy hơi rối mắt khi nhìn thấy hành lang với chi chít những tấm dán biểu tượng du lịch thế giới như thế này. Tuy nhiên, nếu là một người ưa thích sự mới lạ, độc đáo thì chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy ưa thích phong cách “quanh co” như thế này...

Một "thế giới" quanh co nơi hành lang nhà bạn
Sàn nhà với tấm thảm kẻ sọc đủ màu sắc kết hợp với rèm cửa kẻ ca rô. Tấm đệm trên băng ghế dài cũng với hoạ tiết kẻ sọc đặt ngay dưới bức tường hành lang. Nếu xét đến bố cục và màu sắc thì có lẽ cách trang trí hành lang này mang lại cho vị khách đến chơi nhà một ấn tượng mạnh mẽ đấy chứ!

Một “cơn sốt” mang tên… rừng nhiệt đới

Màu sắc tươi sáng với gam màu nóng bỏng tượng trưng cho sự hồi sinh của động vật nói riêng và thiên nhiên nói chung. Những chiếc móc áo được thiết kế cách điệu dựa trên một cái đầu con hươu với 2 chiếc sừng trông thật độc đáo. Thêm vào đó là hai chiếc khăn voan choàng cổ nhẹ nhàng với hoạ tiết da động vật trông thật “xứng đôi”…

Màu cam nóng bỏng cùng hoạ tiết động vật đúng "chất" nhiệt đới
Chiếc ghế nhỏ nơi hành lang được sơn màu cam đậm, cùng với tông màu tường khiến chúng ta cảm nhận được sự “nóng bỏng” đón chào mình nơi hành lang ấy. Kết hợp nó là một chiếc gối ôm hoạ tiết da ngựa vằn… Đây quả thật là phong cách hoang dã cho những ai đam mê xu hướng “rừng nhiệt đới”.

Một phong cách trang trí đậm chất Ma rốc

Tinh tế và hiện đại, một hành lang được trang trí theo phong cách của đất nước Ma rốc hẳn sẽ tạo cho bạn nhiều cảm giác thú vị. Màu sắc được sử dụng đa phần là màu tươi sáng, nội thất đậm màu là điểm nhấn trên màu tường trung trính. Ngoài ra, những hoạ tiết mang đậm dấu ấn Ma rốc chính là sức hút của hành lang đó.

Màu sắc sống động và nội thất độc đáo mang hơi hướm Ma rốc
Ngoài vẻ đẹp mắt, ý tưởng này còn tạo nên một sự hấp dẫn ngay từ cái nhìn đầu tiên cho vị khách của bạn. Và bạn cũng nên nhớ rằng, những căn phòng (kể cả hành lang) được trang trí theo phong cách Ma rốc luôn gây ấn tượng mạnh bởi màu sắc sống động và nội thất độc đáo với kiểu dáng sang trọng nhé!

Ưu ái sắc màu hoa Tử Đinh Hương

Nếu chủ nhân của ngôi nhà là một cô gái, và đặc biệt lại là cô gái yêu thích sắc màu của những đoá Tử Đinh Hương thì không có lý do gì để chối từ một ý tưởng trang trí hành lang như thế này.

Sắc Tử Đinh Hương diu dàng cuốn hút
Một góc hành lang được trang bị chiếc gương lớn với hoạ tiết cầu kì và sắc sảo đến từng chi tiết. Tấm gương không chỉ giúp cho bạn cảm thấy hành lang như được “nới rộng” ra mà còn là một điểm nhấn vô cùng nghệ thuật. Một chiếc đèn cao màu trắng đơn giản xuất hiện trong trường hợp này, ngay cạnh băng ghế dài như là sự trung hoà lại thị giác cho người nhìn.

Từ màu sắc của hoa Tử Đinh Hương nơi bức tường cho đến tấm gương đồng màu khiến ai cũng phải trầm trồ khen ngợi sự sang trọng của nó phải không?

Hành lang và cách phối màu… một nửa?

Bạn không thể đưa ra quyết định là chọn màu nào trong số 2 màu mình yêu thích: Tím và hồng? Vậy tại sao không kết hợp cả 2 màu đó trên hành lang của mình nhỉ? Để tạo nên cái đẹp, đôi khi đòi hỏi bạn cần biết phá cách một chút.

Mọi thứ đều... một nửa!
Một sàn nhà với 2 gam màu song song cùng với chiếc ghế được chia đôi cho sắc màu bạn yêu thích. Ngay cả chiếc bàn cũng được áp dụng cách thức này (không chỉ là màu gỗ/ trắng mà còn cả trong kiểu dáng nữa đấy!). Đây quả là một hành lang ấn tượng đúng không nào?

“Thử” trang trí theo… chủ nghĩa siêu thực

Bạn có nghĩ chủ nhân của ngôi nhà này đang đi theo chủ nghĩa… siêu thực không nhỉ? Hành lang này đón chào khách bằng một chiếc gương thật to, có đôi sừng trắng muốt. Thêm vào đó là một bức tượng đồng hình đầu người, và đặc biệt hơn là trên đầu bức tượng cũng là nơi cắm những bông hoa tím và tán lá xanh như một khu rừng nhiệt đới…

Tấm gương... mọc sừng và đầu tượng... mọc hoa cực kì độc đáo!
Bạn đừng lo khách đến nhà sẽ “hoảng hốt” khi nhìn thấy cách trang trí bất thường này. Thực ra nó là một phong cách vô cùng cá tính và cũng không kém phần độc đáo đúng không nào?

Hành lang và cuộc dạo chơi cùng hình học

Thật không mấy khó khăn để nhận ra bức tường nơi hành lang này thu hút bạn ở điểm nào. Sự tươi sáng, trẻ trung và rất nổi bật đến từ những chiếc kệ hình lục giác. Vừa là nơi lưu trữ rộng rãi (bạn có thể xếp lên đó những cuốn sách, báo, hay vài món đồ trang trí…) vừa là điểm nhấn cho bức tường thêm ấn tượng...

Khối kệ lục giác kết hợp chữ cái và móc áo theo phong cách 3D
Bạn có để ý những miếng dán tường có hình chiếc móc áo ngay góc bên cạnh? Sự “lộn xộn” của chúng không hề gây rối mắt, ngược lại làm cho ta có cảm giác như đang chứng kiến một không gian 3D với những khối hình hộp nổi, chữ cái cùng các móc áo đan xen nhau phải không nào?

Đón chào khách bằng bể cá

Nếu được cho phép bình chọn một hành lang lãng mạn và sinh động hơn cả thì chắc chắn tôi sẽ chọn cách bày trí của chủ nhân ngôi nhà này. Một bể cá lớn được thiết kế ngay trên lối đi ở hành lang khiến không gian trở nên vô cùng sống động...

Những chú cá tung tăng trở thành chiếc "cầu nối" hành lang mềm mại
Bể cá đẹp mắt này còn đóng vài trò là một vách ngăn khéo léo phòng khách và hành lang mà không hề cứng nhắc. Những chú cá đang bơi lội tung tăng thật vui mắt chính là chiếc cầu nối mềm mại giữa không gian bên ngoài và trong của ngôi nhà… Ánh sáng phản chiếu từ kính lớn cũng khiến cho khách có cảm giác như ngôi nhà rộng hơn so với thực tế đấy!

Nơi treo quần áo kết hợp cùng… những chiếc ghế

Đôi khi có những ý tưởng bất ngờ khiến người ta phải “choáng” ngay từ khi bắt gặp. Có rất nhiều cách để giải phóng không gian mặt sàn, nhưng việc treo những chiếc ghế dựa lên… nơi móc áo thì quả thật đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến!

Khi ghế trở thành phụ kiện trang trí!
Chủ nhân của hành lang độc đáo này đã rất khéo léo và thông minh khi phát huy nhiều hơn một chức năng cơ bản của món đồ nhà mình. Những chiếc móc không chỉ đờn thuần là nơi treo áo, khăng choàng, ô dù… mà còn là nơi treo những chiếc ghế dựa.

Ghế ở đây không chỉ còn đơn giản là để ngồi mà chúng còn “kiêm nhiệm” cả vai trò của một vật trang trí, dĩ nhiên là rất lạ mắt, bất ngờ và thú vị! Như vậy, sàn nhà của bạn đã có thêm được khá nhiều diện tích và bức tường hành lang lại có cơ hội đón chào một món “phụ kiện” mới đúng không nào?

Trên đây chỉ là một vài gợi ý cho những ai muốn phá cách và sáng tạo cho hành lang ngôi nhà thật bắt mắt. Chúng tôi hy vọng nó sẽ mang lại những ý tưởng mới để bạn có thể thiết kế cho không gian này thật độc đáo theo cá tính của mình nhé!


Continue Reading »