Labels

Labels

Labels

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Địa ốc Hà Nội: Sốt ảo nhằm trục lợi

Trong khi thị trường bất động sản Hà Nội vẫn đang trầm lắng trong cảnh "chợ chiều" thì một số dự án lại đột ngột tăng giá một cách khó hiểu.
Thực tế đó một lần nữa khẳng định rằng, thị trường bất động sản chưa bao giờ là một thị trường minh bạch và giá sản phẩm lên xuống theo cung cầu như những hàng hóa khác. Một bộ phận không nhỏ trong giới đầu tư vẫn đang cố gắng tạo nên những cơn sốt ảo trên thị trường, hòng vớt vát những gì đã mất trong suốt thời gian qua.
Cung không thiếu
Theo khảo sát, hiện trên địa bàn Hà Nội hầu hết các dự án đều dư dả nguồn cung, giá chào bán cũng đã giảm khá nhiều so với thời điểm một năm về trước. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Mê Linh đã có khoảng trên 40 dự án khu đô thị với quy mô lớn đều đang chào bán đất nền. Với lợi thế về giao thông, hạ tầng, giá đất ở khu vực này đã tăng chóng mặt từ cuối năm 2010.
Tuy nhiên, nhiều tháng nay do ảnh hưởng của việc thắt chặt tín dụng, cùng với sự sụt giảm chung thị trường, giá đất tại Mê Linh cũng đã giảm mạnh, giao dịch gần như đóng băng.
Điển hình như dự án Cienco 5 - Mê Linh được khởi công xây dựng vào cuối tháng 8/2005 với diện tích gần 50 ha, trong đó có khoảng 23 ha đất ở. Giá chào bán liền kề vào thời điểm cuối năm 2010 vào khoảng 23 triệu đồng/gm2. Tuy nhiên, hiện do nguồn cung khá nhiều, trong khi lượng người mua ít nên giá đã giảm khoảng 30 – 40%, chỉ còn ở mức từ 12 – 16 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí lô đất.
Ngay cả đất biệt thự tại đây một thời được giới đầu tư đẩy lên 20 triệu/m2, giờ cũng chỉ khoảng 13 triệu đồng/m2.
Một dự án nằm kề bên là Khu đô thị mới Hà Phong do Công ty Cổ phần Hà Phong làm chủ đầu tư, với tổng diện tích 41,8 ha, cũng đang được rất nhiều nhà đầu tư thứ cấp chào bán với giá chỉ khoảng 17 triệu đồng/m2, giảm 5 triệu đồng/m2 so với cuối năm ngoái.
Ngoài ra, các khu đô thị khác như Minh Giang – Đầm Và, Chi Đông, Tùng Phương, dự án Diamond Park New... cũng được khá nhiều sàn giao dịch, chủ đầu tư chào bán với mức giá khá mềm, chỉ từ 11 triệu đồng/m2.
Sở dĩ giá đất tại Mê Linh giảm mạnh trong thời gian qua là do giới đầu tư đã bắt đầu tháo chạy, sau một thời gian dài thị trường rơi vào trầm lắng, ôm vốn quá lâu. Cách giảm giá, cắt lỗ từ 3 – 5 triệu đồng/m2 là lựa chọn bất đắc dĩ mà phần lớn nhà đầu tư tại đây phải áp dụng.
Trong khi đó, đất thổ cư, dự án tại các khu vực dọc Đại lộ Thăng Long, các vùng thuộc Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất... cũng có mức giảm khá mạnh, cung hàng dồi dào nhưng người mua cũng không còn như hai năm về trước.
Theo giới đầu tư đất tại đây, giá đất thổ cư khu vực này đã giảm khoảng 20% so với năm ngoái. Tuy nhiên, thay vì ôm lại giữ giá, hiện khá nhiều hộ dân, nhà đầu tư tại đây đã gật đầu bán ra mỗi khi có khách hỏi.
Khảo sát cuối tuần qua cho thấy, đất tại các khu vực như Tân Xã, Phú Cát, Thạch Hòa...cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km hiện được rao bán với giá từ 6 – 10 triệu đồng/m2. Gần trung tâm hơn một chút, đất tại Đồng Trúc (Thạch Thất) có giá khoảng 15 triệu đồng/m2, được chào bán rất nhiều nhưng cũng không mấy người mua dù nguồn vốn tự có của người dân và giới đầu tư không phải là ít.
Địa ốc Hà Nội: Sốt ảo nhằm trục lợi, Chung cư-Nhà đất-Bất động sản, Tài chính - Bất động sản, bat dong san, dia oc, nha dau tu, san giao dich, thi truong bat dong san, gia nha dat

Thị trường bất động sản Hà Nội đang được cho là ở đáy của khó khăn.
Tạo khan hàng ảo
Trong khi hầu hết các dự án, khu vực tại Hà Nội đang giảm giá, nguồn cung không thiếu thì tại một số dự án lại xảy ra cảnh khan hàng, sốt giá.
Dẫn đầu trong số các dự án bỗng nhiên bất thường phải kể đến dự án khu đô thị Vân Canh (Hoài Đức). Đây là một dự án khá nhiều tai tiếng sau khi chủ đầu tư là Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) đã “xẻ” cho khá nhiều đối tác, công ty con cùng triển khai thực hiện.
Dự án Vân Canh vốn được cho là rất tiềm năng khi mà đoạn đường nối Xuân Phương được thông với Vân Canh. Nếu xây dựng xong đường, khoảng cách Vân Canh cách khu đô thị mới Mỹ Đình khoảng 3 km.
Cũng chính nhờ lợi thế về hạ tầng (tất nhiên là mới ở mức tiềm năng), dự án này đã nhận được sự quan tâm rất nhiều nhà đầu tư bất động sản. Sau mỗi lần thị trường có “sóng”, giá đất tại dự án này cũng được đẩy lên mức khá cao.
Do tín dụng bất động sản bị siết chặt, cùng với những lình xình về mua bán của một số nhà đầu tư thứ cấp, đến tháng 7 vừa qua, giá đất tại Vân Canh đã giảm xuống mức kỷ lục, các lô đất được rao bán chỉ với 38 – 40 triệu đồng/m2, giảm khoảng 10 triệu đồng/m2 nhưng vẫn không có người mua.

Thế nhưng, không hiểu sao, chỉ sau chưa đầy 2 tháng, giá đất Vân Canh liên tục tăng, mạnh nhất là trong hai tuần gần đây. Hiện, theo các sản giao dịch, văn phòng môi giới quanh khu vực, những lô giá rẻ dưới 40 triệu đồng/m2 không có người bán, lô đường to được đẩy giá lên trên 50 triệu đồng/m2, nhưng hỏi mua không dễ.

Anh Vương Bá Tân, trưởng một văn phòng môi giới tại Nhổn cho hay, khoảng 1 tuần nay giá đất Vân Canh tăng thêm khoảng 5 -7 triệu đồng/m2, trong khi phần lớn các dự án ở khu vực khác tại Hà Nội vẫn khá im ắng.
Không chỉ Vân Canh, một số dự án nằm trong khu vực này như Lideco giá cũng được đẩy lên xấp xỉ 60 triệu đồng/m2, dự án Tân Tây Đô giá giao dịch khoảng 45 -50 triệu đồng/m2 tùy vị trí, Kim chung – Di Trạch khoảng trên 40 triệu đồng/m2…

Theo anh Tân, hiện nhìn chung thị trường đang trầm lắng trên diện rộng, giá đất nhiều dự án lớn, vị trí đẹp hơn Vân Canh vẫn đang “bất động”, không có cớ gì giá đất khu vực này lại có thể tăng nhiều đến mức vậy.
Không những thế, nếu so sánh vị trí Vân Canh với dự án khác như Văn Phú, An Hưng… thì phần kết nối hạ tầng dự án Vân Canh chưa hoàn chỉnh, trong khi giá đắt hơn dự án khác. Điển hình dự án Văn Phú đã bàn giao nhà cho khách giá 56-60 triệu đồng/m2.
Theo nhìn nhận của các sàn giao dịch, nhiều khả năng một số đại gia bất động sản trước đây gom hàng giờ đã cùng nhau đưa ra chiêu đẩy giá lên để xả hàng, kiếm lời.
Trước thực tế này, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Vũ Xuân Thiện, cho rằng đó chỉ là những hiện tượng cá biệt, do một số nhà đầu tư thứ cấp tạo nên nhằm thao túng thị trường, trục lợi.
Để xử lý, theo ông Thiện là khá khó vì đây thường là những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Cơ quan quản lý chỉ có thể ra tay khi hiện tượng găm hàng, đẩy giá do chính chủ đầu tư là các doanh nghiệp, tập đoàn tạo ra.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia bất động sản, nếu chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát vẫn được tiếp tục cho đến giữa năm 2012, nhiều nhà đầu tư lướt sóng bắt buộc sẽ phải xả hàng vì ôm vốn quá lâu hoặc không chịu nổi lãi suất ngân hàng. Người có nhu cầu nhà ở thực sự có thể sẽ còn nhiều cơ hội khi giá tiếp tục giảm thêm 10-20% nữa,về gần với giá trị thực.
Continue Reading »

Giá vàng Việt Nam và thế giới đua nhau lao dốc

Tiếp tục đà giảm của phiên hôm qua, mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá vàng trong nước rơi mạnh xuống dưới ngưỡng 44 triệu đồng/lượng khi giá vàng giao ngay trên thị trường châu Á tuột mốc 1.600 USD/ounce.
Giá vàng tiếp tục lao dốc
 
Lúc 8h16, giá vàng SJC mở cửa giảm 850.000 đồng/lượng so với chốt phiên chiều qua khi mua vào – bán ra ở mức 43,5 – 43,9 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm đó, trên thị trường châu Á, giá vàng giao ngay giảm mạnh xuống mức 1.582 USD/ounce.

Tuy nhiên, ngay sau đó, giá vàng đã phục hồi tăng nhẹ. Đến thời điểm 9h sáng nay, giá vàng giao ngay tại châu Á đang dao động quanh mốc 1.610 USD/ounce, khiến giá vàng SJC cũng điều chỉnh tăng trở lại với 44 triệu đồng/lượng mua vào và 44,4 triệu đồng/lượng bán ra.

Cùng thời điểm này, vàng Bảo Tín Minh Châu niêm yết nhỉnh hơn khi bán ra ở mức 44,65 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên mức chênh lệch giữa giá mua bán được đẩy lên đến 700.000 đồng/lượng khi nhà vàng này ấn định mua vào ở mức 43,95 triệu đồng/lượng.

Với mức giá hiện tại, nếu quy đổi theo tỷ giá USD ngân hàng thì mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá thế giới là vẫn khá cao trên 3,5 triệu đồng/lượng.

Hôm qua (28/9), Ngân hàng Nhà nước đã chính thức cấp giấy phép cho nhập khẩu vàng cho hơn 10 đơn vị. Theo đó, mỗi đơn vị sẽ được nhập khẩu vài trăm kg vàng để bình ổn thị trường trong nước.
 
Trên thị trường thế giới, giá vàng đêm qua tiếp tục sụt giảm trong phiên thứ 5 liên tiếp khi lo ngại suy thoái kinh tế lan rộng, trong khi đó cuộc chiến chống khủng hoảng nợ công vẫn chưa sáng sủa hơn.

Chốt phiên giao dịch tại thị trường Mỹ, giá vàng giao ngay giảm 2,9% xuống 1.601,79 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 34,4 USD xuống 1.618,1 USD/ounce.

Sang đến phiên châu Á, giá vàng giao ngay mở cửa phiên giảm tiếp xuống 1.582 USD/ounce. Trước đó, trong phiên đầu tuần, giá vàng giao ngay cũng đã xuống mức thấp nhất trong 2 tháng là 1.534,49 USD/ounce – mức thấp nhất trong 2 tháng qua.

Giá vàng giao kỳ hạn trên sàn Comex sau khi đóng cửa cũng tiếp tục giảm thêm 21 USD, xuống mức 1.596,7 USD/ounce.

Vàng chịu áp lực giảm giá khi đồng USD hôm qua tăng mạnh do lo ngại kinh tế suy thoái. Các chỉ số trên thị trường chứng khoán Mỹ cũng giảm 2% do lệnh cấm bán khống chứng khoán tại Pháp, Italia và Tây Ban Nha kéo dài hơn.

Giá vàng giảm còn do bởi Liên minh châu Âu (EU) áp dụng những quy tắc cứng rắn để kiểm soát thâm hụt ngân sách. Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu ngày hôm nay để thực hiện biện pháp trừng phạt tự động chống lại các thành viên quốc gia vi phạm thâm hụt ngân sách và giới hạn nợ công.
 
Giá vàng “bốc hơi” hơn 10% trong 5 phiên liên tiếp còn do hoạt động bán tháo để bù lỗ cho thị trường chứng khoán và các thị trường hàng hóa khác. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn cho rằng, vàng vẫn sẽ không mất đi vị thế nơi trú ẩn an toàn dù bị bán tháo mạnh.

Nhật Linh
Continue Reading »