Labels

Labels

Labels

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Vingroup phát hành thẻ Vip


 
Từ ngày 15/10/2011, Tập đoàn Vingroup chính thức phát hành hệ thống thẻ mang tên thẻ VIP VINGROUP, tích hợp nhiều quyền lợi ưu đãi và tiện ích, được áp dụng trên toàn bộ các loại hình dịch vụ chăm sóc ở nhiều lĩnh vực khác nhau của Tập đoàn.

Thẻ VIP VINGROUP được chia thành 3 hạng, bao gồm: Thẻ Kim Cương, Thẻ Vàng và Thẻ Bạc.

Với Thẻ Kim Cương (dành cho các khách hàng mua các sản phẩm bất động sản có giá trị 10 tỷ VNĐ trở lên và các đối tượng khác theo quy định riêng của Tập đoàn Vingroup…); chủ thẻ sẽ nhận được những ưu đãi đặc biệt như: được hưởng 20 đêm lưu trú (phòng/năm) tại hệ thống khách sạn của Vinpearl với giá ưu đãi (giảm 50% vào mùa thấp điểm, giảm 40% giai đoạn hè và giảm 30% vào mùa cao điểm lễ tết); được phục vụ ưu tiên tại quầy dành cho khách có thẻ VIP VINGROUP trong hệ thống khách sạn Vinpearl.

Với mức Thẻ Vàng (dành cho các khách hàng mua các sản phẩm bất động sản có giá trị từ 5 tỷ đến dưới 10 tỷ và các đối tượng khác theo quy định riêng của Tập đoàn Vingroup…); chủ thẻ sẽ được hưởng 10 đêm lưu trú (phòng/năm) tại hệ thống khách sạn của Vinpearl với giá giảm 50% vào mùa thấp điểm, giảm 40% giai đoạn hè và giảm 30% vào mùa cao điểm lễ tết; được phục vụ ưu tiên tại quầy VIP.  
Ở mức Thẻ Bạc dành cho các khách hàng mua các sản phẩm bất động sản có giá trị dưới 5 tỷ và các đối tượng khác theo quy định riêng của Tập đoàn Vingroup…), chủ thẻ sẽ được giảm 20% khi sử dụng dịch vụ của Vincharm, giảm giá 5 đêm ưu đãi giảm giá đặc biệt tại các khách sạn của Vinpearl và được phục vụ ưu tiên tại quầy VIP với quyền lợi giảm như hạng Kim cương và Vàng;

Đối với các dịch vụ khám chữa bệnh tại hệ thống bệnh viện VINMEC (bắt đầu áp dụng sau khi bệnh viện đi vào hoạt động, dự kiến tháng 1/2012), chủ thẻ sẽ được ưu đãi giảm giá 10% cho các dịch vụ khám bệnh, chuẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, phẫu thuật, thủ thật và phí lưu viện (tiền giường), kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ. Đặc biệt hơn, con của chủ thẻ (dưới 12 tuổi) sẽ được ưu đãi miễn phí khám bệnh; Chủ thẻ sẽ được giảm 20% phí vào sân cũng như mua thẻ tại Vinpearl Golf.
  
Theo Lãnh đạo Tập đoàn Vingroup, những chính sách ưu đãi dành cho hệ thống thẻ VIP nêu trên mới chỉ là bước khởi đầu trong quá trình xây dựng, hình thành CLB VIP của Vingroup.

“Với sự ra đời của thẻ VIP VINGROUP, chúng tôi mong muốn thể hiện tấm lòng tri ân khách hàng; đồng thời mong muốn đưa đến một hệ thống dịch vụ và sự chăm sóc hoàn hảo cho các khách hàng thân thiết. Sở hữu thẻ VIP VINGROUP và tham gia CLB VIP VINGROUP, khách hàng sẽ thực sự được trải nghiệm một sự chăm sóc khác biệt và đẳng cấp…” - Ông Lê Khắc Hiệp, phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup phát biểu.

Trúc Dân
Continue Reading »

Bộ trưởng Đinh La Thăng "trảm tướng" tại công trường

Ngày 4/10, sau khi thị sát thực trạng xây dựng công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã thay ngay tổng chỉ huy công trình.
Nhà ga hành khách sân bay Đà Nẵng được khởi công xây dựng từ tháng 12/2007 với tổng vốn hơn 1.345 tỉ đồng từ ngân sách và vốn vay, do Tổng Công ty Cảng HK miền Trung làm chủ đầu tư. Công trình đủ tiêu chuẩn phục vụ 4 triệu khách/năm.

“Các ông đùa à?”

Theo kế hoạch, lẽ ra nhà ga phải đưa vào khai thác từ quý 1/2010 nhưng việc thi công hết sức ì ạch khiến dự án chậm tiến độ gần hai năm. Mới đây Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức đã có văn yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý (BQL) dự án phải có giải pháp cụ thể, quyết liệt thi công hoàn thành trước 31/12/2011. Chậm nhất ngày 20/9, tất cả các nhà thầu chính, thầu phụ phải lập lại được bản tiến độ chi tiết, tiến độ tổng thể, chốt được thời gian hoàn thành từng nội dung công việc…
 
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: “Phải thay ngay tổng chỉ huy dự án!”.

Tuy nhiên, sáng 4/10, khi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vào thị sát thì đâu vẫn hoàn đấy. Ông Hoàng Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Cảng HK miền Trung, báo cáo trên công trường có 350 công nhân đang thi công. Trong khi Tư vấn trưởng giám sát John Richrd Malig nói rõ chỉ có 250 công nhân.

Khi được yêu cầu tăng cường nhân lực thì các nhà thầu biện bạch phải đưa từ Hà Nội vào mới đáp ứng được khâu hoàn thiện. Ông Đinh La Thăng bác ngay: “Các ông đùa à? Thợ Đà Nẵng nổi tiếng về khâu hoàn thiện, ở Hà Nội còn mời họ ra, làm gì phải đưa từ Hà Nội vào. Vấn đề là ông trả tiền không thỏa đáng nên người ta không làm thôi!”.

Ông John Richrd Malig còn cho biết nhà thầu báo cáo đã đạt tiến độ 97% song đó là hoàn thành chứ chưa phải là hoàn thiện, vì còn rất nhiều khiếm khuyết cần phải sửa chữa. Tư vấn cũng rất nhiều lần yêu cầu các nhà thầu trình bản tiến độ theo yêu cầu của Bộ GTVT nhưng họ vẫn không thực hiện.

“Rất khó hoàn thành dự án vào cuối năm 2011 bởi tư duy chậm trễ dường như ăn sâu vào các nhà thầu. Tuy vậy vẫn không có sự thay đổi những người điều hành của các nhà thầu... Chúng tôi rất thất vọng vì các nhà thầu chưa có nỗ lực nào vượt bậc!” - ông John Richrd Malig nói.

Thay ngay trưởng ban quản lý dự án

Bộ trưởng GTVT hỏi: “Đấu thầu theo tiêu chí gì mà nhà thầu yếu như thế? Hai nhà thầu chính trong nước thì Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại VN (Contrexim) yếu cả năng lực, kinh nghiệm lẫn tài chính. Công ty Xây dựng Công nghiệp số 4 (thuộc Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp VN - ICIC) cũng không phải đơn vị mạnh, làm gì chẳng chậm tiến độ.”. Cả hai giám đốc của hai công ty này đều “trốn” khi Bộ trưởng yêu cầu vào họp kiểm tra tiến độ thi công. Thậm chí gọi điện thoại cho ông Phan Minh Tuấn, Giám đốc Contrexim, song ông này không nghe máy!

Ông Đinh La Thăng nhận định để xảy ra tình trạng trên trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư và BQL dự án. Sự điều hành lẫn tổ chức công trường là “có vấn đề”. Chưa nói đâu xa, khi đoàn công tác vào thị sát thì công nhân tụm năm, tụm bảy nhìn ngó và không làm việc. Việc chỉ huy kết nối các gói thầu hết sức lỏng lẻo, công việc giao không rõ ràng nên công nhân không có việc để làm và… không biết làm việc. BQL dự án và Tổng Công ty Cảng HK miền Trung phải kiểm điểm vì để xảy ra tình trạng trì trệ mà không có biện pháp xử lý. Chủ đầu tư nắm đằng chuôi, giữ tiền nhưng tiến độ chậm hàng năm trời mà không phạt, cứ vui vẻ là không chấp nhận được.

Ông lập tức gọi điện thoại cho Tổng Giám đốc Tổng Công ty HK miền Nam Nguyễn Nguyên Hùng, yêu cầu ngay trong trưa 4/10 điều động một cán bộ có năng lực, từng tham gia điều hành thành công dự án xây dựng nhà ga hành khách sân bay Cần Thơ ra tăng cường cho sân bay Đà Nẵng. Đồng thời, mời đại diện Công ty Hòa Bình (một đơn vị tư nhân nhưng thi công rất tốt công trình nhà ga sân bay Cần Thơ) cùng ra để sẵn sàng thay thế nhà thầu nếu cần thiết.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Đinh La Thăng chính thức tuyên bố ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng HK miền Nam, sẽ thay ông Đặng Hồng Cương (Trưởng BQL dự án xây dựng nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng) làm tổng chỉ huy, toàn quyền điều hành toàn bộ công việc từ ngày 5/10. Chính ông sẽ chịu trách nhiệm về mọi quyết định của ông Bình đối với dự án này.

Đồng thời, buộc Contrexim và ICIC phải tăng cường nhân lực, vật lực theo yêu cầu do ông Bình đưa ra cũng như các khuyến cáo của tư vấn giám sát. Bộ GTVT sẽ tạo điều kiện tốt nhất, nhất là về vốn cho các nhà thầu này nhưng nếu trong vòng một tuần không đáp ứng được thì Công ty Hòa Bình sẽ vào thế chân ngay!

Kỷ luật nếu còn để đấu thầu chỉ có một nhà thầu
Không chỉ nhà ga hành khách mà công trình kéo dài, nâng cấp đường băng 35R-17L của sân bay quốc tế Đà Nẵng cũng đang hết sức chậm trễ. Xác định việc đưa đường băng này vào khai thác là rất cấp bách nên Bộ GTVT cũng yêu cầu phải hoàn thành trước 31-12. Tuy nhiên, đại diện nhà thầu là Công ty ACC (quân đội) cho biết đến nay tiến độ mới đạt 50%. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nêu rõ rất nhiều đơn vị xây lắp có thể đổ bê tông đường băng. Nếu từ nay trở đi còn để tình trạng việc đấu thầu xây dựng đường băng mà chỉ có một nhà thầu thì cục trưởng Cục HK dân dụng VN sẽ bị kỷ luật.
“Nỗi nhục quốc thể!”
“Việc hoàn thành dự án nhà ga sân bay Đà Nẵng đúng yêu cầu là danh dự của ngành GTVT, của các nhà thầu VN… Thế nhưng khi làm việc với tôi trưa 4-10, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã gọi đây là một “nỗi nhục quốc thể”!” - Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết. Tại cuộc gặp, ông Nguyễn Bá Thanh hết sức bức xúc trước tình trạng thì công ì ạch, chậm trễ kéo dài hết năm này đến năm khác trong khi hành khách trong nước lẫn quốc tế phải đứng giữa mưa, giữa nắng vì nhà ga cũ đã quá tải. Ông nói thẳng nếu đây là công trình của TP Đà Nẵng thì BQL dự án đã bị cách chức lâu rồi!

Theo Hải Châu
Pháp luật TP.HCM

Continue Reading »

Lượng vàng nhập khẩu tăng vọt

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 9 nhập khẩu vàng đạt 600 triệu đôla, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu kim loại quý này trong 9 tháng đầu năm lên 1,5 tỷ đôla, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu vàng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái (Ảnh minh họa)
 
Báo cáo cho thấy, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá 9 tháng ước đạt 76,87 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 34,2 tỷ USD, tăng 30,2%. Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 42,6 tỷ USD.
Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu ước đạt 4,2 tỷ USD. Trong đó nhập khẩu vàng tháng 9 khoảng 600 triệu USD, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu loại kim loại này trong 9 tháng đầu năm nay là 1,5 tỷ USD, gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu 6,8 tỷ USD, chiếm khoảng 9,8% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) nhập siêu gần 1,74 tỷ USD. Nếu không tính kim ngạch xuất khẩu vàng vào tổng kim ngạch xuất khẩu, thì nhập siêu 9 tháng ước gần 9,4 tỷ USD, bằng 13,9% kim ngạch xuất khẩu.
LH
Continue Reading »

Nhập khẩu vàng tăng 4 lần cùng kỳ

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 9 nhập khẩu vàng đạt 600 triệu đôla, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu kim loại quý này trong 9 tháng đầu năm lên 1,5 tỷ đôla, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu vàng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái (Ảnh minh họa)
 
Báo cáo cho thấy, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá 9 tháng ước đạt 76,87 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 34,2 tỷ USD, tăng 30,2%. Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 42,6 tỷ USD.
Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu ước đạt 4,2 tỷ USD. Trong đó nhập khẩu vàng tháng 9 khoảng 600 triệu USD, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu loại kim loại này trong 9 tháng đầu năm nay là 1,5 tỷ USD, gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu 6,8 tỷ USD, chiếm khoảng 9,8% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) nhập siêu gần 1,74 tỷ USD. Nếu không tính kim ngạch xuất khẩu vàng vào tổng kim ngạch xuất khẩu, thì nhập siêu 9 tháng ước gần 9,4 tỷ USD, bằng 13,9% kim ngạch xuất khẩu.
LH
Continue Reading »

NHNN: Cuối năm, tỷ giá sẽ ổn định


 
Cuối chiều ngày 5/10, Ngân hàng Nhà nước công bố bản phân tích chi tiết các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá USD/VND, cũng như tiếp tục khẳng định sẽ đảm bảo giữ ổn định, có các điều kiện cần thiết để giữ ổn định từ nay đến cuối năm 2011.

Cán cân thanh toán thặng dư

Theo Ngân hàng Nhà nước, điểm nổi bật trong diễn biến kinh tế đối ngoại là cán cân thanh toán tổng thể chuyển sang thặng dư nhờ cán cân vãng lai và cán cân vốn và tài chính được cải thiện. Số liệu thống kê cho thấy, cán cân thanh toán tổng thể đạt thặng dư trên 5 tỷ USD; trong đó mức thặng dư cải thiện qua từng quý, trong đó quý 1/2011 thâm hụt, quý 2 và quý 3 đạt mức thặng dư cao.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và thu hút chuyển tiền kiều hối đều đạt mức tăng ấn tượng. Tính đến tháng 9/2011, kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 146,9 tỷ USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2010. Diễn biến cho thấy, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều có xu hướng tăng qua từng quý nhưng xuất khẩu luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với nhập khẩu, nhờ đó, nhập siêu được cải thiện dần. Tính đến tháng 9, nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu chỉ ở mức 9,8%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu kiểm soát nhập siêu 16% đã được Quốc hội thông qua.

"Đây là những mức tăng trưởng rất cao trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn và biến động khó lường," Ngân hàng Nhà nước nhận định.

Chuyển tiền một chiều của khu vực tư nhân trong 7 tháng qua cũng có sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2010. Việt Nam đã thu hút được 5,6 tỷ USD chuyền tiền một chiều của khu vực tư nhân (bao gồm cả chuyển tiền của người lao động Việt Nam ở nước ngoài và kiều hối), tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2010.

Với những yếu tố tích cực nêu trên, cán cân vãng lai đã được cải thiện đáng kể. Tính chung 6 tháng đầu năm, cán cân vãng lai chỉ thâm hụt ở mức 748 triệu USD, chưa bằng 1/3 mức thâm hụt 2,5 tỷ USD của cùng kỳ năm 2010. Đặc biệt, trong quý II/2011, cán cân vãng lai đã chuyển sang thặng dư nhẹ 166 triệu USD, mức thặng dư đầu tiên kể từ quý I/2009. Tính chung 7 tháng đầu năm 2011, cán cân vãng lai thặng dư 1,3 tỷ USD (cùng kỳ năm 2010 thâm hụt 3,2 tỷ USD).

Về vốn FDI, tính đến tháng 9/2011, FDI ước tính đạt 6,1 tỷ USD, tương đương mức cùng kỳ năm 2010.

Về vốn đầu tư gián tiếp, mặc dù thị trường chứng khoán liên tục giảm điểm nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mua ròng trên thị trường chứng khoán và tăng cường góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp chưa niêm yết. Tính chung 7 tháng đầu năm 2011, vốn đầu gián tiếp vào Việt Nam ước đạt 700 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2010 và trong 9 tháng đầu năm 2011, ước đạt 1 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2010 (9 tháng đầu năm 2010, nếu không tính việc phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ trên thị trường quốc tế, vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam đạt 940 triệu USD).

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng tích cực rút tiền gửi ngoại tệ ở nước ngoài và huy động vốn trên thị trường quốc tế để đáp ứng nhu cầu mở rộng tín dụng ngoại tệ trong nước trong 7 tháng đầu năm 2011 trở thành nguyên nhân quan trọng góp phần cải thiện cán cân vốn và tài chính.

Nhờ nguồn vốn vào khá ổn định và theo xu hướng cải thiện trong 9 tháng đầu năm. Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2011 cán cân vốn và tài chính thặng dư 9,8 tỷ USD, tăng hơn gấp 2 lần mức thặng dư 4,57 tỷ USD của cùng kỳ năm 2010.

Chu chuyển ngoại tệ được cải thiện

Ngân hàng Nhà nước nhận định, trong thời gian qua, chu chuyển vốn ngoại tệ qua hệ thống ngân hàng diễn ra theo chiều hướng tích cực, đảm bảo an toàn thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng và góp phần ổn định lãi suất, ngoại tệ, tỷ giá USD/VND.

Mặc dù nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng từ thị trường quốc tế trong tháng 9/2011 giảm đáng kể do các khoản vay ngoại tệ trên thị trường quốc tế đến hạn trả nợ (tính đến ngày 29/9/2011 giảm 745 triệu USD, tương đương 7,52% so với cuối tháng 8/2011), nhưng luồng vốn ngoại tệ chuyển vào hệ thống ngân hàng qua kênh huy động vốn ngoại tệ từ nền kinh tế và thu hồi các khoản cho vay ngoại tệ đến hạn đã đảm bảo chi trả đầy đủ các khoản nợ ngoại tệ đến hạn của hệ thống ngân hàng.

Tính đến ngày 29/9/2011, huy động vốn ngoại tệ của hệ thống các tổ chức tín dụng từ nền kinh tế tăng 0,07% (tương đương 17 triệu USD) so với cuối tháng 8/2011. Dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ (thu nợ ngoại tệ) giảm 792 triệu USD, tương đương 2,71% so với cuối tháng 8/2011. Như vậy, trong tháng 9/2011, phần thu ngoại tệ (809 triệu USD) vẫn lớn hơn phần chi ngoại tệ trả nợ (745 triệu USD) của hệ thống ngân hàng là 64 triệu USD.

Mặt khác, tiền gửi ngoại tệ của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước tăng cao trong tháng 9/2011 cho thấy thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng tiếp tục được đảm bảo. Tính đến ngày 29/9/2011, tiền gửi ngoại tệ của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước tăng 45,1% so với cuối tháng 8/2011, tương đương với mức tăng thêm 586 triệu USD.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định, nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, đặc biệt là các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá và quản lý hoạt động ngân hàng, luồng chu chuyển ngoại tệ của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng có nhiều chuyển biến tích cực. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư, dự trữ ngoại hối nhà nước được củng cố và thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng được đảm bảo trong những tháng vừa qua là cơ sở quan trọng để ổn định tỷ giá USD/VND và lãi suất ngoại tệ trên thị trường trong nước trong những tháng còn lại của năm 2011.

Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, trong thời gian gần đây, giá vàng thế giới biến động rất mạnh và bất thường cộng với tập quán mua vàng vào của người dân vào quý IV và tâm lý nhận định giá vàng thế giới tiếp tục lên đã thúc đẩy hoạt động đầu cơ, buôn bán vàng trong nước tăng mạnh, từ đó gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời có nhiều giải pháp để ổn định thị trường. Tuy nhiên, để đối phó với nhu cầu mua vàng gia tăng đột biến trong những ngày gần đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ có ngay các biện pháp đủ mạnh để ổn định giá vàng trong nước phù hợp với giá vàng thế giới, chống đầu cơ, buôn lậu vàng qua biên giới ảnh hưởng tới sự ổn định của thị trường ngoại hối, tỷ giá.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục bán ngoại tệ can thiệp thị trường, giải quyết đầy đủ nhu cầu ngoại tệ cần thiết của nền kinh tế, đảm bảo ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm với mức biến động không quá 1%.

Ngân hàng Nhà nước cũng lạc quan nhận định: "Tình hình trên cho thấy có đầy đủ cơ sở thực tiễn đảm bảo thị trường ngoại hối, tỷ giá ổn định trong những tháng còn lại của năm 2011, tạo điều kiện để cải thiện tốt hơn trong năm 2012".

theo TTXVN
Continue Reading »

Doanh nghiệp ngại chuyện nghỉ thai sản kéo dài

Dự thảo tăng chế độ nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 5 tháng dù được nhìn nhận là mang đậm chất nhân đạo song cũng khiến không ít doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ băn khoăn.
Sau nhiều tháng bàn thảo, đề xuất tăng thời gian nghỉ sinh cho lao động nữ từ 4 tháng lên 5 tháng được Chính phủ trình lên Quốc hội vào chiều 5/10.
Nhân viên nữ chiếm tới hơn 90% lao động trong các doanh nghiệp dệt may. Ảnh minh họa.
Đa phần các ý kiến đánh giá dự thảo này mang đậm tính nhân văn, phù hợp với khiến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mà nhiều nước phát triển đang áp dụng. Dù vậy, việc kéo dài thời gian thai sản đang dấy lên những lo ngại trong doanh nghiệp nhất là với những đơn vị sử dụng lao động phần đông là nữ.
Tổng công ty Dệt may Hà Nội thường có khoảng 5.000 công nhân lao động, gồm 3.000 công nhân ở miền Bắc, còn lại là phía Nam. Do chính sách tái cơ cấu và hoàn thiện bộ máy, doanh nghiệp này đang tiết giảm dần lao động ở Hà Nội và xây dựng các nhà máy tại các tỉnh thành khác để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ.
Một lãnh đạo cấp cao của Dệt may Hà Nội cho rằng với một doanh nghiệp sử dụng tới 90% công nhân là nữ thì dự thảo tăng thời gian nghĩ thai sản sẽ khiến họ chịu một số áp lực nhất định. "Cứ tưởng tượng một ngày đẹp trời 1.000 lao động trong số 5.000 công nhân nghỉ thai sản, hoạt động của công ty sẽ thế nào", ông này nói.
Vị lãnh đạo này bày tỏ quan điểm ủng hộ những chính sách của Nhà nước và đảm bảo quyền lợi của người lao động. Thế nhưng về phía doanh nghiệp, công ty cũng sẽ chuẩn bị sẵn những phương án ứng phó khi thiếu hụt nhân lực tạm thời cũng như chi phí có thể tốn kém thêm. Chẳng hạn như yêu cầu lao động thông báo trước thời gian nghỉ để doanh nghiệp bố trí lao động thế chỗ, tăng ca cho nhân viên khác. Và giai đoạn nghỉ này người lao động cũng phải chấp nhận mức lương thấp hơn so với bình thường.
Bà Ngọc, Giám đốc một doanh nghiệp phân phối sản phẩm đồ uống ở Hà Nội cho rằng với một số vị trí quan trọng trong doanh nghiệp như kế toán trưởng hay giám đốc kinh doanh cực chẳng đã bà mới tuyển nữ giới. Và nếu là nữ, bà cũng sẽ tuyển người nhiều kinh nghiệm và thường đã ổn định chuyện con cái. "Những vị trí này rất quan trọng, sự thiếu vắng của họ chỉ trong vòng một tháng đã khiến hoạt động kinh doanh bị xáo trộn nói chi 4-5 tháng", bà nói.
5 năm trước, kế toán trưởng của công ty do chính bà chọn về là một người có khá nhiều kinh nghiệm nên đảm nhận công việc rất tốt. Nhưng khi công ty bước vào giai đoạn căng thẳng nhất thì cô này nghỉ 4 tháng sinh em bé. "Mất khá nhiều thời gian mới tuyển dụng được người khác đảm nhận vị trí này. Sau đó, tôi lại rơi vào tình thế khó xử. Khi kế toán cũ đi làm trở lại, tôi buộc phải luân chuyển công việc vì kế toán trưởng mới làm quá tốt vị trí này. Dù mức lương vẫn thế nhưng nhân viên cũ vì tự ái đã làm đơn xin nghỉ chỉ sau một tuần đi làm. Đây cũng là một trong những rủi ro mà doanh nghiệp buộc phải chấp nhận", bà nói.
Theo bà, với những doanh nghiệp sản xuất hoặc công ty tư nhân, xáo trộn nhân lực thường chịu ảnh hưởng nhiều hơn so với doanh nghiệp Nhà nước. Bởi họ không có lực lượng lao động dự phòng và sự thiếu hụt nhân lực ở bất cứ vị trí nào cũng ảnh hưởng nhất định tới hoạt động của doanh nghiệp.
Tập đoàn Viettel hiện có 25 vạn cán bộ. Trong số này nữ chiếm 30% và đa phần là ở độ tuổi sinh nở. Quan điểm của hãng viễn thông này là khuyến khích nhân viên nữ, nên đảm bảo tốt chế độ hậu sinh nở. Khi tuyển dụng nhân viên nữ, nhất là lao động trẻ hãng đã tính đến giai đoạn họ sẽ lấy chồng và sinh em bé.
"Chúng tôi xác định giai đoạn thai sản của họ thường kéo dài ít nhất là một năm vì giai đoạn đầu con nhỏ các bà khó toàn tâm toàn ý cho công việc được. Do vậy, với chúng tôi 4 tháng, 5 tháng hay một năm cũng không có nhiều ý nghĩa", vị lãnh đạo Viettel nói.
Tập đoàn Kangaroo có 700 lao động, một nửa trong số này là nhân viên nữ. Khá nhiều bộ phận quan trọng như giám đốc nhân sự, kế toán trưởng... do cánh chị em đảm nhận. Đại diện truyền thông của Kangaroo cho hay khi tuyển dụng hãng thường yêu cầu nhân viên cam kết sẽ gắn bó lâu dài với công ty chứ không quy định về thời gian sinh nở (sau 2 năm) như đại bộ phận các doanh nghiệp khác.
"Trước khi sinh nở của chị em chúng tôi đều có buổi tham vấn ý kiến để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ. Sau kỳ thai sản, nhân viên có thể quay lại đảm nhận vị trí cũ hoặc chuyển sang công việc mới và thường do lựa chọn của chính lao động", đại diện của Kangaroo cho biết.
Tất nhiên với bộ phận quan trọng của công ty giai đoạn nghỉ quá dài có thể ảnh hưởng đáng kể tới công việc. Tuy nhiên, ở vị trí này họ thường có các trợ lý và thư ký nên mức độ ảnh hưởng tới công việc cũng ít hơn.
Trên thực tế không chỉ doanh nghiệp gặp khó vì vấn đề sinh nở của cán bộ nữ mà ngay cả bản thân nhân viên này cũng gặp những trở ngại nhất định. Giám đốc một doanh nghiệp phân phối điện thoại di động ở Hà Nội chia sẻ tình huống mà ông từng rất khó xử.
Cách đây một năm nữ kế toán trưởng công ty ông đến sát ngày sinh vẫn không chịu bàn giao sổ sách cho người mới. Lý do mà ông biết vì cô này lo khi quay lại công ty sẽ không còn được đảm nhận công việc cũ nữa. "Phòng nhân sự sau khi làm công tác giải tỏa tâm lý, cô ấy cũng chấp nhận nhưng lại xin đi làm sớm hơn 2 tháng. Kết quả là công việc không đảm bảo mà con cái cũng thiệt thòi vì không nhận được sự chăm sóc trọn vẹn", ông nói.
Theo vị lãnh đạo này mấu chốt vấn đề không nằm ở 4 hay 5 tháng thậm chí một năm sinh nở của chị em mà với doanh nghiệp khi đã tuyển dụng lao động nữ cũng đồng nghĩa với việc họ phải chấp nhận một ngày nào đó nhân viên sẽ thủ thỉ rằng: "Sếp ơi em có bầu" hay "Sếp ơi cho em nghỉ đẻ".
Hồng Anh
Continue Reading »

Lộ diện dòng máy bay xa xỉ nhất thế giới

Mới đây, hãng Boeing đã cho ra mắt dòng máy bay dành riêng cho giới doanh nhân với mức giá dự kiến lên đến 500 triệu USD. Dù vẫn “kín tiếng” về danh tính những người đặt mua, song với mức giá này, chắc chắn phải là những “đại gia thứ thiệt”.
Dòng máy bay này mang tên Boeing Business Jet (BBJ) - là dòng máy bay đắt nhất, dài nhất, và xa xỉ nhất trên thế giới.

Loại máy bay này có cabin rộng tới 6,1m, không gian trống lên tới 525m2. Với không gian rộng rãi như vậy, BBJ thậm chí gấp 2 đến 3 lần so với ngôi nhà của bạn. Chiếc BBJ còn được cho là nổi trội hơn hẳn bởi nó sẽ tiết kiệm tới 16% nhiên liệu so với những loại khác.

Dưới đây là một số hình ảnh của chiếc phi cơ BBJ.

Không gian rộng lớn bên trong BBJ
 
BBJ nổi bật và gây ấn tượng với màu sơn bên ngoài.
 
Không có gì tuyệt vời hơn nếu phi cơ riêng của bạn có độ cao tới 3,6m như BBJ.
 
Mẫu phòng ngủ sẽ được thiết kế ở phần cuối của máy bay.
 
Một phòng dành cho hội họp.
 
Mẫu thiết kế này có thể nhằm mục đích tích hợp giữa phòng ăn và phòng chơi cho trẻ em.
 
Một phòng làm việc riêng.

Lan Trinh
Theo CNN
Continue Reading »

Cây trồng biến đổi gene có thể nguy hại cho lợi ích kinh tế

Theo nhiều chuyên gia, nếu trồng đại trà thực phẩm biến đổi gene thì một số lợi ích kinh tế có thể bị nguy hại, như người nông dân bị ép giá do lệ thuộc vào các công ty cung ứng giống, môi trường nông nghiệp bị biến đổi...
Thực phẩm biến đổi gen có thể gây nguy hại cho nền kinh tế.
Bà Lê Thị Phi Vân, Viện chính sách, chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn, cho rằng những công ty xuyên quốc gia trong lĩnh vực này đang sử dụng giống biến đổi gene, khiến cho nông dân ngày càng phụ thuộc vào họ để đạt mục tiêu lợi nhuận.
"Năm 2010, doanh thu bán hàng ròng và lợi nhuận ròng của Monsanto lần lượt là 10,5 tỷ đôla và 1,1 tỷ đôla; của Syngenta là 11,6 tỷ đôla và 1,4 tỷ đôla. Khoản thu nhập hấp dẫn do cây trồng biến đổi gene mang lại khiến các công ty này thuyết phục, gây sức ép để nhiều quốc gia đưa chúng vào sản xuất đại trà", bà Phi Vân nói.
Cây trồng biến đổi gene (Genetically Modified Crop - GMC) là những cây mà vật liệu di truyền của chúng được biến đổi theo ý muốn chủ quan của con người nhờ những công nghệ sinh học hiện đại, hay còn gọi là công nghệ gene. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và phát tiển nông thôn đã cho phép các tập đoàn lớn của thế giới về cây trồng biến đổi gene nhập sản phẩm vào nước ta để khảo nghiệm trên diện rộng và bước đầu cho kết quả khá suôn sẻ đối với cây ngô. Theo dự kiến, Việt Nam sẽ trồng đại trà từ năm 2012.
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cây trồng biến đổi gene đã phát triển nhiều năm trên thế giới và việc sử dụng đang theo xu hướng gia tăng, trong đó có hai cường quốc nông nghiệp châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ. Trong chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp, Bộ đã cho triển khai các đề tài nghiên cứu về tạo chọn giống cây trồng biến đổi gene và cử nhiều cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài về công nghệ gene.
Đại diện Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, ông Đỗ Gia Phan tỏ ra lo lắng bởi hiện nay chưa có bằng chứng đảm bảo là thực phẩm biến đổi gene không gây ra những tác động tiêu cực cho sức khỏe con người, đặc biệt là về lâu dài.
"Những sản phẩm này cần phải để bản thân người tiêu dùng quyết định. Nhưng vấn đề đặt ra là việc ghi nhãn thực phẩm biến đổi gene ở nước ta đã trở thành quy định bắt buộc nhưng việc triển khai, kiểm tra, quản lý như thế nào là điều cần bàn và giám sát chặt", ông Đỗ Gia Phan nói.
Theo ông Phan, việc nghiên cứu, đưa sản phẩm biến đổi gene ra thị trường mất nhiều thời gian, tiền của làm cho giá giống cây trồng tăng lên. Nông dân các nước nghèo và đang phát triển như Việt Nam sẽ không chịu nổi, từ đó làm rộng thêm khoảng cách giàu nghèo. Mặt khác, họ sẽ phải phụ thuộc lâu dài vào các công ty giống.
Trao đổi với VnExpress.net, PGS, TS Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển giống rau chất lượng cao cho biết, chi phí mua giống biến đổi gene đắt gấp nhiều lần giống truyền thống. Số tiền này sẽ ngày càng nhiều lên khi người nông dân lệ thuộc vào các công ty cung ứng. Nhưng nếu họ muốn quay trở lại với giống cây cũ thì không thể do môi trường sinh thái đã biến đổi, đầu tư nhiều tiền, nhiều thời gian, công sức cũng khó cải tạo được như cũ.
Theo ông Minh, điều nguy hiểm trước mắt là nếu chính sách thu mua nông sản cào bằng giữa sản phẩm từ giống truyền thống và biến đổi gene thì người trồng đương nhiên sẽ sử dụng giống biến đổi gen. "Trong 5-10 năm đầu tiên, người nông dân rất nhàn, năng suất cao, ít sâu bệnh. Nhưng cái lợi đó chỉ trong thời gian ngắn, hậu quả để lại vô cùng to lớn khi họ bị ép giá từ những công ty cung ứng xuyên quốc gia", ông Minh nói.
Ông Trần Đắc Lợi, Phó chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam cho biết, những nước chấp nhận sử dụng thực phẩm biến đổi gene đã và đang phải chịu hậu quả nặng nề. "Một nông dân ở Ấn Độ đã tử tự vì vỡ nợ, nhưng nguyên nhân sâu xa là do anh ta lệ thuộc vào công ty sản xuất giống biến đổi gene nên khi bị ép giá đã phải vay khoản tiền khổng lồ. Nhiều người trong tình cảnh tương tự cũng đã phá sản hàng loạt", ông Trần Đắc Lợi dẫn chứng.
Ông Lợi cho biết thêm, báo cáo nghiên cứu đánh giá về nông nghiệp thế giới gần đây với sự tham gia của 400 nhà khoa học từ 58 quốc gia, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới, Unesco…khẳng định ngày nay thực phẩm biến đổi gene không đóng góp được gì trong vấn đề đảm bảo nguồn cung lương thực, xóa nghèo và biến đổi khí hậu. Thêm đó sự du nhập thực phẩm biến đổi gene sẽ làm giảm sự đa dạng về giống, vốn là nguồn lực cơ bản của an ninh lương thực.
Đối với việc sử dụng giống ngô biến đổi gene của Việt Nam, hiện nay Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn mới hoàn tất phần khảo nghiệm, đánh giá rủi ro. Theo cơ quan này, phương thức tiếp cận đối với giống cây trồng biến đổi gene là tiếp thu một cách tích cực nhưng cần thận trọng và có trọng tâm.




Xuân Ngọc
Continue Reading »

Đùa dai và nỗi nhục quốc thể

Trong đợt thị sát việc xây dựng công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng ngày 4/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã thay ngay tổng chỉ huy công trình. Việc “trảm tướng” ngay giữa công trường của bộ trưởng Thăng quả thật xưa nay hiếm.
Nhà ga hành khách sân bay Đà Nẵng được khởi công xây dựng từ tháng 12/2007 với tổng vốn hơn 1.345 tỉ đồng từ ngân sách và vốn vay, do Tổng Công ty Cảng HK miền Trung làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, nhà ga  đã được đưa vào khai thác từ quý I/2010 nhưng do thi công  kém nên bị chậm gần hai năm.

Không cần họp hành lôi thôi, mất nhiều thời gian, lấy ý kiến của đủ thứ ban bệ, ông Thăng móc điện thoại gọi cho ông Nguyễn Nguyên Hùng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty HK miền Nam, yêu cầu điều động ngay một cán bộ có năng lực, từng tham gia điều hành thành công dự án xây dựng nhà ga hành khách sân bay Cần Thơ ra tăng cường cho sân bay Đà Nẵng.

Ngay chiều hôm đó, bộ trưởng Thăng “trảm tướng”, đưa ông Đỗ Tất Bình - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng HK miền Nam, từ 5/10, thay ông Đặng Hồng -Trưởng BQL dự án xây dựng nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng. Đối với các nhà thầu làm ăn bê bối, ông Thăng chuẩn bị  “trảm” bằng cách mời đại diện Công ty Hòa Bình một đơn vị tư nhân nhưng thi công rất tốt công trình nhà ga sân bay Cần Thơ, ra để sẵn sàng thay thế.

Bác lại những biện bạch về sự chậm tiến độ của các nhà thầu, ông Thăng nói: “Các ông đùa à?”. Ông cũng cho biết, đối với việc thực hiện dự án rùa bò này, Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh gọi đây là “nỗi nhục quốc thể”. Và quả thật là nhục, bởi vì khách trong nước, quốc tế phải chịu đựng nhiều thứ tồi tệ trong một sân ga quá tải.

Lâu nay ở nhiều địa phương, có không ít dự án, công trình chậm tiến độ, gây lãng phí, thất thoát và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Lô cốt mọc lên đầy đường và kéo dài hết tháng này qua năm khác. Nhiều tuyến đường, cây cầu làm mãi không xong. Có dự án không chỉ thất thoát mà nảy sinh tham nhũng, nhưng  ban quản lý các dự án đó vẫn cư nhởn nhơ, chẳng ai cách chức. Nhà thầu tự tung tự tác, thi công ẩu, gây ra nhiều hậu quả kể cả chết người, rồi cũng xuê xoa cho qua. Vì để cho các ban quản lý dự án và các nhà thầu “đùa dai” cho nên mới có “nỗi nhục” như vậy.

Từ khi nhận chức đến nay dân chúng nghe Bộ trưởng Đinh La Thăng tuyên bố nhiều, nay đã thấy ông hành động. Vụ “trảm tướng” vừa qua là một tín hiệu cho thấy ông sẽ còn mạnh tay chấn chỉnh ngành giao thông nước nhà.

Lê Chân Nhân
Continue Reading »