Labels

Labels

Labels

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Mua bán USD trên thị trường tự do: Đủ kiểu né kiểm tra

Khi thị trường USD tự do nhộn nhịp trở lại, người kinh doanh buộc phải nghĩ ra đủ cách, tránh bị kiểm tra.
Chỉ có một số ít doanh nghiệp thoát rủi ro tỷ giá khi họ sử dụng dịch vụ bảo hiểm rủi ro tỷ giá của ngân hàng.
 
Bà Trần, chủ quầy kinh doanh vàng trong trung tâm kinh doanh vàng bạc đá quý Bến Thành cho biết: “Cuối năm khách có nhu cầu mua USD Mỹ nhiều, mà các tiệm vàng bị “canh” cũng nhiều hơn, nên việc mua bán phải thận trọng”.

Sáng ngày 19/10, có khách đến mua 1.000 USD, nhân viên trong quầy của bà chỉ làm động tác kiểm đếm tiền, và giúp khách cột lại bằng loại dây thun có hai màu vàng đỏ theo hình chữ thập. Bà sẽ gọi điện cho người khác mang USD đến, hai bên sẽ trao tiền trực tiếp với nhau. Bà nói: “Làm vậy, lỡ bị phát hiện, thì tiệm vàng không dính dáng đến việc mua bán, chỉ giúp khách cột tiền cho gọn thôi”.

Do tết năm tới rơi vào tháng 1 nên tháng 10 này các tiểu thương, doanh nghiệp cần mua USD để thanh toán hàng nhập khẩu. Nhu cầu của khách mua USD ở các tiệm vàng, quầy thu đổi ngoại tệ uy tín, làm ăn lâu năm từ vài chục ngàn lên đến cả triệu USD/ngày.

Giới kinh doanh tính toán, mức lãi mua bán USD hấp dẫn hơn vàng. Nếu tính trên cùng số vốn bỏ ra 43 triệu đồng, thì mua bán vàng chỉ được lãi chừng 300.000 – 500.000 đồng/lượng, nhưng mua bán USD có thể được 1 triệu đồng. Vì vậy, dù rủi ro, nhiều tiệm vàng vẫn tiếp tục mua bán USD, nhưng phải “dòm trước ngó sau”, phải thuê thêm nhân viên bảo vệ làm nhiệm vụ cảnh giác.

Dịch vụ mua bán USD tận nơi cũng đã buộc phải thay đổi cách thức. Như ở tiệm vàng của bà Nguyễn khu vực gần chợ Vườn Chuối quận 3, trước đây một nhân viên làm luôn khâu giao USD và nhận tiền đồng, còn hiện nay phải chia tách làm hai công đoạn để tránh bị rủi ro. Khi khách có nhu cầu gọi điện, nhân viên đến trước sẽ nhận tiền đồng, sau 5 – 10 phút nhân viên đi sau sẽ giao tiền USD.

Ở quầy thu đổi ngoại tệ của ông H. (khá nổi tiếng) trên đường Đồng Khởi quận 1, các nhân viên chỉ bán tại chỗ cho khách quen mà họ biết mặt với số lượng ít (dưới 10.000 USD), còn khách quen mua số lượng nhiều hơn nhân viên hẹn giờ giao tận nơi. Với khách lạ thì quầy chỉ áp dụng mua vào theo giá ngân hàng, tuyệt đối không bán ra.

Ông Lý, chủ tịch hội đồng quản trị công ty may G. tại TP.HCM kể, ông vừa bán được hơn 1 triệu USD thu được từ hợp đồng xuất khẩu hàng may vào giữa tháng 10, theo giá thị trường tự do với cách “đi cặp”.

Cụ thể, ngân hàng quen không thể mua đô la với giá cao hơn niêm yết, vì vậy họ sẽ quy đổi từ USD sang loại ngoại tệ khác (tuỳ thời điểm có thể chọn bảng Anh, euro, USD Canada, USD Úc hay yen Nhật), và từ ngoại tệ khác này doanh nghiệp sẽ bán lại cho ngân hàng để lấy tiền đồng theo giá trị tương đương với giá USD thị trường tự do.

Ông Lý nói: “Tất nhiên, ngân hàng sẽ giúp mình tính toán chọn cặp ngoại tệ nào có lợi, và chịu trách nhiệm tính giá, doanh nghiệp cũng phải chia một phần khoản chênh lệch cho ngân hàng”.

Theo Bích Thảo
SGTT
Continue Reading »

Chứng khoán đang ở giai đoạn nguy hiểm


 
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua tiếp tục có những phiên rơi điểm mạnh, mốc 400 điểm trên sàn TP.HCM đôi lúc bị lung lay, khi những quan ngại và sợ hãi của nhà đầu tư liên tục hiện hữu. Theo nhận định của các chuyên gia, hiện tại nhà đầu tư chưa nên tham gia vào thị trường, do thị trường vẫn còn nhiều biến động khó lường.
Trên thế giới, thị trường chứng khoán tuần qua có những phiên tăng giảm luân phiên, tuy nhiên xu hướng tăng vẫn chiếm chủ đạo. T
rong phiên cuối tuần, thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đã bùng nổ mạnh, sau khi McDonald's và một số công ty lớn khác công bố lợi nhuận tăng vọt.
Tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng thêm đến 267,01 điểm, lên 11.808,79 điểm, chỉ số S&P 500 cũng cộng thêm tới 22,86 điểm, tương ứng 1,9%, chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 38,84 điểm.
Cùng chiều với thị trường Mỹ, các sàn chứng khoán châu Âu cũng tăng mạnh, từ  1,93% - 3,55%.
Trong nước, thông tin đáng chú ý nhất trong tuần vẫn là việc công bố chỉ số CPI tháng 10 của cả hai thành phố lớn. Với mức tăng khá thấp ở cả hai thành phố lớn, dự báo CPI tháng 10 của cả nước cũng chỉ tăng ở mức thấp, trong khoảng 0,3%-0,4%.

Tuy nhiên, lạm phát vẫn có khả năng tăng mạnh trở lại trong 2 tháng cuối năm, những tháng người dân có nhu cầu chi tiều nhiều nhất để chuẩn bị tết. Đặc biệt, CPI sẽ tăng mạnh hơn nếu Bộ Công Thương cho phép EVN tăng giá điện vào đầu tháng 11 tới đây.

Với những động thái trên, thị trường  chứng khoán cả tuần qua vẫn diễn ra trong theo xu hướng giảm điểm là chính, các cổ phiếu liên tục trồi sụt. Đặc biệt, giao dịch cũng không có nhiều thay đổi so với tuần trước. Những buồn  chán, hoang mang vẫ đè nặng lên cả hai sàn, khiến chỉ số Vn-Index và HNX-Index liên tục chao đảo.

Trong tuần, có những phiên cả hai sàn Hà Nội và TP.HCM rơi điểm mạnh mẽ, trước đà bán tháo cổ phiếu của giới đầu tư. Thanh khoản đặc biệt rơi xuống mức thấp đáng lo ngại.
Tuy nhiên, trong phiên kết thúc tuần thị trường bước vào xu hướng tích cực hơn khi cả hai sàn mở cửa tăng điểm với hầu hết các  cổ phiếu dẫn dắt đều khớp ở mức giá xanh.
Hầu hết các cổ phiếu trên HNX-Index đều tăng điểm, nhưng giao dịch có phần chùng xuống vào lúc 10 giờ. Lúc đó, Vn-Index vẫn tiếp tục tăng điểm và đứng ở vùng giá cao nhất trong ngày, tạo hiệu ứng lôi kéo sàn HNX quay trở lại, vượt đỉnh trong phiên.

Chốt phiên, chỉ số Vn-Index đã tăng đến gần 8 điểm, mức tăng cao nhất trong nhiều phiên giao dịch gần đây, tuy nhiên sự tăng điểm này có sự góp sức đang kể của nhóm cổ phiếu lớn như BVH, MSN, VIC PVF….Các Bluechip khác cũng thể hiện sự tích cực như HPG, PVD, REE, DPM, SAM, nhưng lượng cầu không thật sự lấn lướt. Nhóm cổ phiếu bất động sản với các đại diện IJC, ITC, ITA, NTB đều đóng cửa ở mức giá trần.

Như vậy, với phiên tăng điểm cuối tuần thị trường đang thể một diễn biến tích cực hơn. Nhiều mã chứng khoán đã về đến đáy cũ nên kích thích một lượng cầu nhất định bắt đáy, giúp cho thị trường xanh điểm.

Tuy nhiên, theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect, còn quá sớm để cho rằng thị trường bắt đầu một sóng tăng. Trong phiên giao dịch đầu tuần tới, thị trường có thể xanh điểm nhưng việc mua đuổi vẫn đối mặt với rủi ro cao.

Mặc dù thị trường không còn quá xấu nhưng việc tham gia thị trường vẫn chưa nên vội vàng. Nhà đầu tư nên cẩn thận quan sát thị trường trong những phiên tới. Nếu thị trường vẫn xanh điểm và đạt mức thanh khoản cao thì việc giải ngân mới được xem xét.

Còn theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán Woori CBV, phiên tăng điểm chốt tuần vừa qua đã xuất hiện tín hiệu khá tích cực khi gia tăng mạnh về cả mặt điểm số lẫn giá trị. Sự phát động tăng giá xuất phát từ những mã dẫn đầu bên HSX với sự gia tốc kéo VN-Index tăng điểm một cách mạnh mẽ đã tạo được sự tham gia hỗ trợ của các mã midcap và penny. Đóng cửa toàn thị trường số mã tăng giá áp đảo số mã giảm giá.

Về mặt kỹ thuật, sự suy giảm về mốc hỗ trợ mạnh 395-400 điểm đã kích thích dòng tiền quay trở lại. Tuy nhiên, để có tín hiệu hồi phục chắc chắn, khối lượng được chuyển nhượng cần được giữ ổn định trong những phiên tới.

Nếu như thanh khoản tiếp tục suy kiệt thì khả năng thị trường sẽ vẫn tiếp tục có những dao động trong biên độ hẹp ở các phiên tới. Khi trạng thái này bị phá vỡ kèm thanh khoản tăng mạnh sẽ xuất hiện một xu hướng mới. Do đó, có thể nói xu hướng hiện tại vẫn chưa rõ ràng để tham gia giải ngân.

Yến Nhi
Continue Reading »

Chuyển động thị trường: Hàng hiệu giá rẻ đã đổ bộ vào Việt Nam

Xu thế hàng hiệu giá thấp đang nở rộ trong giới kinh doanh các mặt hàng thời trang.
Khủng hoảng - đã có hàng hiệu giá rẻ!

Ngày nay, người dân tại nhiều nước phương Tây đang thay đổi cách mua sắm. Cuộc khủng hoảng tài chính đã để lại nhiều hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế. Đối với một số người, họ cảm thấy lo sợ và tìm cách ứng phó trong một nền kinh tế đang hết sức khó khăn. Tuy nhiên, cho dù hiện nay nhiều ngân hàng hiện đã thoát khỏi bờ vực phá sản, nền kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục, thói quen mua sắm trước đây của người dân cũng không quay trở lại một cách dễ dàng.

Cuộc khủng hoảng tài chính đã để lại nhiều hậu quả lâu dài cho thói quen mua sắm của người dân. Đặc biệt là tại thị trường tầm trung. Nhiều người dân sống ở Mỹ và châu Âu đã tìm đến những cửa hàng bán lẻ, chọn những nơi bán với giá thấp nhất để tiết kiệm tiền. Trong bối cảnh như vậy, nhiều thương hiệu tại thị trường trung cấp đã bị người mua lãng quên.

Thế nhưng, có một điều kỳ lạ là trong thị trường trung cấp vốn đang có sự chuyển biến sâu sắc như vậy, nhiều hãng thời trang cao cấp lại đang tập trung vào. Các thương hiệu lớn đã chấp nhận bỏ qua những thành kiến và sự kìm hãm để mở rộng thị trường. Quá trình này bắt đầu với những thương hiệu vốn  trước đây chỉ xuất hiện tại thị trường cao cấp. Đó là Giorgio Armani, Jimmy Choo và Marc Jacobs,... Những thương hiệu này đã phát triển đa dạng để tạo ra những sản phẩm có giá cả phải chăng và tiện dụng hơn.

Các thương hiệu lớn như Giorgio Armani đã chấp nhận bỏ qua những thành kiến và sự kìm hãm để mở rộng thị trường

Các thương hiệu cao cấp đang tập trung phát triển ở thị trường tầm trung vì họ nhận ra rằng "khách hàng đang cần tiết kiệm và họ không muốn mua những sản phẩm đắt tiền như thế này", Walter Loeb, chuyên gia tư vấn bán lẻ và chủ tịch của Loeb Associates nhận định. Khi hành động như vậy, các thương hiệu này đang chuẩn bị cho một rủi ro lớn, đó là rất có thể họ sẽ làm mất giá trị thương hiệu gốc hay hạ thấp giá trị của nó.

Mặc dù vậy, đối với các nhà kinh doanh trong ngành công nghiệp thời trang, đây vẫn là một cách vô cùng sáng suốt để tìm kiếm nguồn doanh thu mới thông qua sự nổi tiếng sẵn có của thương hiệu gốc. Sự thành công thông qua việc mở rộng thị trường vẫn còn chưa rõ ràng, nhưng hiện tại đã có rất nhiều hãng thử nghiệm phương thức này.

Ông Loeb cho rằng với cách làm này, các hãng thường bán được nhiều hàng hơn so với thị trường chính - đồng nghĩa với việc sản phẩm được bán ra nhiều hơn trước khi mùa giảm giá đến. Mùa giảm giá luôn là ảnh hưởng lớn tới doanh thu của của các thương hiệu đắt tiền.

Matthew Williamson, nhà thiết kế người Anh chuyên thiết kế đồ cho nữ giới đã tiến hành việc mở rộng thị trường từ đầu năm. Ông tính toán rằng ông sẽ thu về từ thị trường mới nhiều hơn từ 3 đến 4 lần so với thị trường gốc.

Thương hiệu MW của ông hiện đang được bán tại các cửa hàng Macy ở Mỹ, cùng với các thương hiệu khác như Bloomingdale. Những mặt hàng "xịn" giá thấp khác cũng dự kiến ra mắt trong năm nay đó là Overture của Judith Leiber, chuyên gia làm túi xách và nước hoa. Ngoài ra còn có Balmain, với dòng sản phẩm mới có tên Pierre Balmain.

Đẳng cấp có mãi là đẳng cấp?

Tuy nhiên, dù quyết định tấn công vào thị trường tầm trung, các hãng thời trang cao cấp lại tỏ ra vô cùng tức giận khi bị đem so sánh sản phẩm của mình với các hãng thời trang giá rẻ khác như Zara và Hennes & Mauritz. Họ cho rằng những sản phẩm của mình vẫn vượt trội về chất lượng, việc họ bước vào một phân khúc mới là đem lại những sản phẩm "sang trọng với giá cả phải chăng", theo như Olga Slavkina, quản lý đối tác của Schmoozy Fox, tổ chức xây dựng thương hiệu tại Brussels nói.

Dù đã quyết định tấn công vào thị trường tầm trung, các hãng thời trang cao cấp vẫn không muốn bị đem so sánh sản phẩm của mình với các hãng thời trang giá rẻ
Ông Loeb cũng lưu ý rằng, việc mở rộng thị trường sản phẩm không phải bắt đầu từ khi cuộc khủng hoảng xảy ra, mà trên thực tế đã xuất hiện được khoảng 20 năm nay.

Dòng sản phầm Giorgio Armani của  Armani Exchange đã xuất hiện từ trước cuộc khủng hoảng nhiều năm, cũng tương tự dòng sản phẩm của D&G. Việc giữ mối liên hệ chặt chẽ giữa thương hiệu mới với thương hiệu gốc để tạo uy tín cho sản phẩm, và giúp nó không bị đánh đồng với các thương hiệu tầm trung khác. Đó là nhần tố giúp cho thương hiệu D&G không thể bị nhầm lẫn cho dù được bày bán tại phân khúc bậc trung.

Ngoài ra, cũng có một phương pháp khác đó là tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới từ thương hiệu nổi tiếng trước đó. Tuy nhiên bà Slavikina của Schmoozy Fox tỏ ra hoài nghi về phương thức này. "Nó tạo ra cho sản phẩm mới một thương hiệu hoàn toàn khác. Để có thể liên kết được sản phẩm mới với thương hiệu ban đầu đòi hỏi một sự nỗ lực lớn", bà nói.

Một thương hiệu nếu trở nên phổ biến, chắc chắn sẽ không tạo sự nổi bật như trước. Tuy nhiên nó lại cực kỳ thành công trong việc đem lại doanh thu lớn hơn hàng triệu USD so với thương hiệu nổi tiếng ban đầu. Và điều này chắc chắn sẽ là thách thức lớn  với những thương hiệu gốc. Đồng thời, dòng sản phẩm này cũng đặt ra một vấn đề khó khăn là liệu những sản phẩm sang trọng có bị hạ xuống ngang hàng với những thương hiệu thông thường khác, khi mà vấn đề doanh thu đang trở thành mối ưu tiên hàng đầu.

Continue Reading »

Việt Nam tụt 8 bậc về xếp hạng môi trường kinh doanh

Theo báo cáo năm 2011 của Ngân hàng thế giới (WB), môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp hạng 98 trong tổng số 183 quốc gia khảo sát, đứng thứ 5 trong khối ASEAN.
Việt Nam xếp hạng 98 trong số 183 quốc gia. Ảnh:bbc.co.uk
Việt Nam xếp hạng 98 trong số 183 quốc gia. Ảnh: bbc.co.uk
Trong tổng thể bảng xếp hạng, Việt Nam tụt 8 bậc so với năm 2010, đứng thứ 98. Xét riêng từng tiêu chí, Tiếp cận tín dụng (Getting Credit) là hạng mục mà Việt Nam được đánh giá cao nhất, xếp hạng 24. Bảo vệ nhà đầu tư (hạng 166), Số thuế phải nộp (hạng 152) và Khắc phục khả năng thanh toán (hạng 142) là ba hạng mục bị đánh giá thấp nhất của Việt Nam.
Trong 10 nước ASEAN tham gia khảo sát (trừ Mianmar), 5 quốc gia đứng đầu là Singapore, Thái Lan, Malaysia, Brunei và Việt Nam. Đây là lần thứ 6 liên tiếp, Singapore dẫn đầu danh sách về đánh giá môi trường kinh doanh của WB ở cả khu vực ASEAN và trên toàn thế giới. Trong khi Malaysia và Brunei đều có bước tiến về cải thiện môi trường kinh doanh thì Việt Nam lại là quốc gia có bước lùi lớn nhất trong khu vực.
Trên thế giới, xếp sau Singapore trong bảng xếp hạng là Hồng Kông, New Zealand, Mỹ và Đan Mạch. Vị trí của top 5 không có sự thay đổi nào so với năm 2010. <>Tuy đang ngập trong khủng hoảng nợ nhưng vị trí của Hy Lạp trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới lại tăng một bậc so với năm trước, đứng ở vị trí thứ 100.
Đối với nhóm các quốc gia mới nổi BRICS, ngoài Nam Phi nằm trong top 35, các nước khác đều có vị trí tương đối thấp như Trung Quốc ở vị trí thứ 91, Nga hạng 120, Brazil hạng 126 và Ấn Độ xếp thứ 132. Hai nền kinh tế lớn khác của châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc giữ vị trí thứ 20 và 8. Hàn Quốc tăng thêm 7 bậc so với năm 2010 nhờ thành lập quy trình đăng ký mở công ty trực tuyến, sáp nhập một số loại thuế và cho phép nộp hồ sơ kiện tụng qua mạng.
Quỳnh Anh
Continue Reading »

Giá đất đã được đẩy kịch trần (!)

Thanh tra tài chính tại Hà Nội vừa kiểm tra xác suất việc xây dựng bảng giá đất tại 12 tuyến đường năm 2010 và năm 2011 tại 7 tuyến đường cho thấy, giá thực tế đang cao hơn bảng giá đất của UBND thành phố Hà Nội từ vài chục đến 400 - 500%.
Theo một số chuyên gia thì chưa có nơi nào, giá đất lại có sự chênh lệch lớn như ở Hà Nội. Đây chính là kẽ hở tạo ra tham nhũng, thất thu thuế và khiếu kiện về đất đai.
Cơ hội cho đặc quyền và tham nhũng?
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng: "Đây là câu chuyện ai cũng biết từ lâu chỉ có điều các cơ quan Nhà nước có đặt ra hay không. Hiện nay ở tất cả các khu vực trong cả nước, giá đất thị trường đều cách xa so với bảng giá đất Nhà nước quy định nhưng Hà Nội là nặng nề nhất. Cách xây dựng bảng giá đất, tôi không nắm thật rõ nhưng chắc chắn yếu tố thực tế không được xem xét đến hoặc xem xét một cách hình thức nên mới xảy ra câu chuyện như nói đến ở trên".
Nguy cơ thứ nhất là tham nhũng vì nhà đầu tư luôn tính toán là phải làm thế nào để được giao đất. Tôi chưa nói là ai tham nhũng ở đây những phải thừa nhận rằng cơ chế đó chắc chắn sẽ tạo ra nguy cơ tham nhũng lớn. Điểm tiếp, là tình trạng dân khiếu kiện, đặc biệt là khiếu kiện dây dưa kéo dài. Ở Hà Nội có lẽ không hiếm những vụ khiếu kiện liên quan đến giải phóng mặt bằng kéo dài cả gần chục năm", GS Đặng Hùng Võ bức xúc.
Về vấn đề thu thuế, GS Đặng Hùng Võ cho biết: Hiện nay mình vẫn cho phép tính theo bảng giá đất của Nhà nước; Luật pháp thì quy định tính thuế tương đương với giá thị trường. Như vậy, nếu sự sai lệch càng nhiều thì sự thất thu thuế sẽ càng lớn. Lỗi này, trước hết là do không có sự kiểm tra sát sao từ Trung ương, không phát hiện, cũng không xử lý. Tôi biết, câu chuyện này, báo chí đã phản ánh nhiều, các chuyên gia về đất đai cũng bàn đi bàn lại từ năm 2005, nhưng đến tận bây giờ tình hình không hề biến chuyển, nếu không nói là xấu thêm.
Cũng theo GS Đặng Hùng Võ: "Nếu muốn có một bước thay đổi đột phá để giá đất khi xây dựng bảng giá sát với giá thị trường thì phải để hệ thống quyết định về giá đất nằm ngoài, độc lập với cơ quan hành chính, không thuộc quyền của UBND. Mặt khác, chúng ta phải phát triển dịch vụ định giá đất, dùng và để nó trở thành một phương tiện xác định giá đất chính xác. Theo tôi đây không phải là việc của cơ quan hành chính mà là của hệ thống chuyên ngành, chuyên môn, của những công ty cung cấp dịch vụ đó".
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam nêu quan điểm: "Theo tôi, bảng giá đất nên chỉ dùng áp dụng cho các dự án phát triển hạ tầng như làm đường sá, cầu cống, trường học. Còn các dự án bất động sản (sau đó họ làm để kinh doanh), Nhà nước không nên giao, cấp đất mà để các nhà đầu tư tự tìm kiếm, thương lượng. Tôi biết có những dự án được ưu đãi rất nhiều, trong đó có giá đất, sau đó họ kinh doanh kiếm lãi gấp nhiều lần.
Ngoài ra, Thành phố định phát triển một dự án (ví dụ trên diện tích 200 ha, trên đó chưa có bất cứ dự án nào), Nhà nước nên bỏ tiền (kể cả vay ngân hàng) đền bù đồng loạt cho dân. Trong trường hợp này thì có thể áp dụng giá đất mà thành phố quy định. Có được mặt bằng sạch, chúng ta mới tiến tới xây dựng, quy hoạch cơ sở hạ tầng trên khu đất đấy.
Nếu định sử dụng đất xây dựng dự án nhà ở cho người thu nhập thấp thì Nhà nước có thể tính toán giá đất rẻ cho nhà đầu tư. Còn nếu là dự án cao cấp, thì Nhà nước đấu giá, ai trả giá cao thì được. Xây dựng trường học, bệnh viện, các công trình an ninh quốc phòng thì có thể không tính đến giá (vì đây vẫn là tiền Thành phố đầu tư). Chính sách của mình theo tôi phải phù hợp với từng thửa đất, làm siêu thị, nhà ở, công trình phúc lợi thì phải khác nhau. Làm được như vậy, mới có thể tránh được tình trạng loạn giá nhà đất trong khu đô thị”.
Tình trạng đất đai bị làm giá, đầu cơ, thậm chí là chuyện chạy dự án, tham nhũng hiện nay, theo ông Liêm chính là bắt nguồn từ những quy định mập mờ, nhập nhèm, không rõ ràng. "Tôi biết ở các dự án bất động sản, nhà đầu tư không được ăn cả đâu, cũng phải chia nhiều mối. Một dự án cũng phải cắt ra phải chục suất để ngoại giao. Tiền đó ở đâu ra, cuối cùng cũng quy vào đất cả. Người ta lại cắt đất bán, thu tiền", ông Liêm cho biết.
Giá đất đã được đẩy "kịch trần" (!), Chung cư-Nhà đất-Bất động sản, Tài chính - Bất động sản, bat dong san, gia nha dat, thi truong bat dong san, bang gia dat, tai chinh, bao
Định giá tại bảng xây dựng giá đất thấp dẫn đến đền bù thấp là một trong những nguyên nhân chính khiếu kiện về đất đai và dễ phát sinh đặc quyền, tham nhũng.
Giá đất Hà Nội đã được đẩy "kịch trần"(!)
Liên quan số liệu của Thanh tra tài chính mà báo chí đăng tải, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỏ ra khá ngạc nhiên vì hiện ông cho rằng hiện Sở mới đang chuẩn bị họp bàn về vấn đề này.
Trao đổi với PV (với tư cách cá nhân), ông Nghĩa cho biết: "Từ kinh nghiệm của một người từng phụ trách việc xây dựng bảng giá đất của Thành phố, tôi phải thừa nhận đúng là có tình trạng giá đất giao dịch thực tế có sự chênh lệch với bảng giá đất".
Lý giải cho việc đó, ông Nghĩa cho biết: Việc xây dựng bảng giá đất phải bám vào khung giá đất của Chính phủ, đối với các đô thị đặc biệt thì cũng không được vượt quá 20%. Dựa vào đây, Hà Nội đã đẩy đến kịch trần. Quy định cao nhất chỉ có 67 triệu/m2, còn Hà Nội ở vị trí cao nhất là 81 triệu/m2. Nếu sửa thì phải sửa từ Khung giá đất của Chính phủ. Cách đây một vài năm cũng có một số ý kiến cho rằng nên để giá đất Hà Nội bung theo giá thị trường, nhưng HĐND cũng không ai dám quyết vấn đề này.
Trước đó, trả lời báo chí về giá cả đất đai, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, chủ trương chung của Chính phủ là tất cả đều phải theo giá thị trường, quan trọng là áp mức giá cụ thể nào. Việc này sẽ do Bộ Tài chính quyết định. Tuy nhiên, việc áp tất cả theo giá thị trường cũng phải tính toán lại.
Nếu nói theo giá thị trường đất ở Hà Nội có giá 1tỷ đồng/m2 thì có hợp lý hay không? Tôi cho rằng, yếu tố quan trọng nhất để thực hiện theo giá thị trường là thông qua giao dịch, nhưng thực tế thì giao dịch đất đai hiện nay chủ yếu vẫn là giao dịch ngầm, chưa công khai, minh bạch.
Giá đất đã được đẩy "kịch trần" (!), Chung cư-Nhà đất-Bất động sản, Tài chính - Bất động sản, bat dong san, gia nha dat, thi truong bat dong san, bang gia dat, tai chinh, bao
"Hãy giao tiền để lãnh đạo thành phố đi mua..."
"Nếu muốn kiểm tra đúng hay không thì hãy đưa một khoản tiền bằng đúng giá quy định trong bảng giá đất của Thành phố cho một đồng chí lãnh đạo nào của Hà Nội phụ trách về giá đất đi mua đất. Mua không được thì phải bù tiền vào. Đây là cách thực tế nhất để lãnh đạo Hà Nội đừng bao giờ đưa ra những con số viển vông, xa vời đó. Việc chênh lệch quá lớn này sẽ dẫn đến những nguy cơ mà bấy lâu nay ai cũng biết nhưng ít quan tâm".
GS Đặng Hùng Võ.
Continue Reading »

Thiếu quy hoạch, làng nghề khó lớn mạnh

Dù Nghị định 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn đã được triển khai hơn 5 năm, nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là việc quy hoạch làng nghề.

Nhiều vướng mắc đã được thẳng thắn "mổ xẻ" tại hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 66, do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 20.10.
Thiếu quy hoạch, khó tiếp cận vốn đang là vướng mắc lớn của làng nghề rèn Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, Cao Bằng.
Khó tiếp cận vốn
Theo số liệu Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra tháng 10.2011 và báo cáo của các địa phương, hiện cả nước có 4.575 làng nghề, trong đó 3.251 làng có nghề và 1.324 làng nghề được công nhận. Bình quân tốc độ phát triển làng nghề tăng từ 6-15%/năm.
Hoạt động sản xuất nghề ở khu vực nông thôn đã tạo việc làm cho hơn 11 triệu lao động, thu hút 30% lực lượng lao động nông thôn... với thu nhập trung bình đạt từ 450.000 đến 4 triệu đồng/tháng (gấp 1,5-4 lần lao động thuần nông).
Ông An Văn Khanh - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối khẳng định, việc thực hiện Nghị định 66 đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhiều ngành nghề đang trên đà phát triển mạnh, tăng thu nhập cho người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay, việc thiếu quy hoạch làng nghề đang là vướng mắc lớn nhất để thúc đẩy có hiệu quả hơn ngành nghề ở nông thôn. Trong đó, việc khó tiếp cận nguồn vốn vay là rào cản để quy hoạch làng nghề phát triển bền vững.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước VN cho thấy, nếu như đến 31.12.2006, dư nợ cho vay phát triển ngành nghề nông thôn đạt khoảng 20.516 tỷ đồng thì đến tháng 3.2011 là 53.207,4 tỷ đồng. Tuy vậy, trên thực tế, đại diện của Sở Công Thương An Giang, cho rằng, so với các doanh nghiệp lớn việc vay vốn phát triển nghề truyền thống đang bị "phân biệt đối xử".
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hồ Xuân Hùng nói rõ: Dư nợ cho vay dù tăng nhưng nhiều địa phương vẫn đang thiếu vốn hoặc khó tiếp cận với vốn vay.
Chủ động, quyết liệt quy hoạch làng nghề
Ông Vũ Quốc Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề VN, cho rằng, việc phát triển làng nghề chưa có tính đột phá vì thiếu một cơ cấu khoa học. Theo ông, đã đến lúc phải có đột phá về chính sách và tổ chức thực hiện, trong đó đặc biệt là quy hoạch lại làng nghề. "Việc quy hoạch cụm làng nghề, chúng ta đã nói nhiều nhưng làm không được bao nhiêu" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Việc thiếu quy hoạch làng nghề dẫn đến một loạt hệ lụy như thiếu mặt bằng sản xuất, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường. Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng đề nghị thời điểm này các sở cần phải chủ động, nhanh chóng tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố về quy hoạch làng nghề và thực hiện một cách quyết liệt.
Việc thiếu quy hoạch làng nghề dẫn đến một loạt hệ lụy như thiếu mặt bằng sản xuất, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ông Hùng cũng thừa nhận, ô nhiễm môi trường làng nghề đang là vấn đề bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động, cộng đồng dân cư xung quanh và sẽ để lại những "di chứng" lâu dài. Ông Hùng cho biết, Bộ NNPTNT cùng với các bộ, ngành liên quan sẽ sớm hoàn thiện trình Quốc hội phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về môi trường làng nghề.
Việc chưa làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Sở NNPTNT, Sở Công Thương cũng đang dẫn đến tình trạng chồng chéo hoặc trống trong quản lý nhà nước khi thực thi Nghị định 66. Thứ trưởng Hùng cho rằng đây là thiếu sót của Bộ NNPTNT dẫn đến việc yếu kém trong tổ chức thực hiện.
Trước mắt, theo ông Hùng, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương sẽ ban hành thông tư liên bộ hướng dẫn các địa phương làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Sở NNPTNT và Sở Công Thương theo hướng thống nhất về đầu mối một sở.
Continue Reading »

FPT sắp đòi được 708 tỷ đồng từ tay EVN Telecom

Đó là câu trả lời khá lạc quan của FPT về khoản tiền đặt cọc vẫn “nhùng nhằng” hậu thương vụ bất thành mua 60% cổ phần của EVN Telecom đúng 1 năm trước.
FPT sắp lấy được khoản tiền đặt cọc 708 tỷ đồng từ tay EVN Telecom? (ảnh: Internet)
 
Tại cuộc họp thông báo kết quả kinh doanh trong 9 tháng năm 2011, trao đổi với PV Dân trí chiều qua 20/10, ông Nguyễn Thế Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cho biết: “Thương vụ làm ăn này “vướng” phải một số điều kiện cơ chế chính sách và phương án cổ phần hóa của Chính phủ nên FPT và EVN đã đi đến thống nhất không tiếp tục nữa.
 
Đây là thương vụ do Chính phủ quyết định nên EVN Telecom cho rằng câu trả lời cũng sẽ từ Chính phủ, tức là đợi đến khi Chính phủ quyết định phương án cho EVN Telecom thì sẽ tính toán tới khoản tiền mà FPT đã đặt cọc trước đó”.
 
Tuy không phải là vấn đề dễ giải quyết nhưng nói về thời điểm sẽ thu hồi được khoản tiền đặt cọc 708 tỷ đồng đang ở trong tay EVN Telecom, ông Phương kỳ vọng: “Câu trả lời là ở Chính phủ và tôi tin trong thời gian ngắn tới đây FPT sẽ nhận lại được số tiền đó”.
 
Cũng theo ông Phương, một thông tin khá lạc quan cho FPT là đã có phương án chuyển giao EVN Telecom cho Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, sau tái cơ cấu các ngành nghề kinh doanh cốt lõi của Nhà nước thì số tiền 708 tỷ đồng của FPT sẽ được trả lại.
 
Trước đó, vào tháng 10/2010, FPT dự kiến mua 60% cổ phần của EVN Telecom, nhưng đến cuối tháng 1/2011, trong quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa Chính phủ chỉ cho phép EVN được bán 49% cổ phần của EVN Telecom, còn phía FPT tuyên bố từ bỏ kế hoạch.
 
Hậu thương vụ mua bán bất thành này, lãnh FPT luôn tỏ ra lạc quan và tin rằng sẽ thu lại được khoản tiền 708 tỷ đồng đã đặt cọc. Tuy nhiên, quan điểm của EVN về vấn đề này có vẻ như lại hoàn toàn trái ngược khi từng phát biểu với báo giới rằng nếu một trong hai phía phá bỏ hợp đồng thì sẽ phải đền bù bằng số tiền đặt cọc đang nằm trong ngân hàng.
  
Quỳnh Anh
Continue Reading »

Bùng nổ căn hộ mini, khách đua nhau mua

Trong khi căn hộ cao cấp giao dịch ế ẩm thì dòng sản phẩm nhà diện tích nhỏ từ 34 m2 đến dưới 60 m2 lại đang khá thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng tại Hà Nội. Chưa bao giờ, nguồn cung về loại căn hộ này lại bùng nổ mạnh như hiện nay.

Trên trang web batdongsan.com.vn, anh Trần Văn Thành, Giám đốc Công ty CP tư vấn, thiết kế kiến trúc và thi công xây dựng ACS hiện rao bán vài căn chung cư mini có diện tích 35 m2 tại Tây Tựu - Từ Liêm, nằm phía sau ĐH Công Nghiệp, cách Ngã tư Nhổn 1,3 km, gần mặt đường 70, với giá chỉ 490 triệu đồng. Tin rao này gần như đông lượt người vào xem nhất so với các sản phẩm nhà, đất khác.

Theo anh Thành, nhận thấy nhu cầu căn hộ diện tích bé đang khá sốt, hợp túi tiền với nhiều người, anh đã góp vốn cùng hai người bạn xây một khu chung cư mini trên diện tích đất mà nhóm này mua trước đó. Khu chung cư gồm 7 tầng, mỗi tầng 4 căn diện tích 35 m2, riêng tầng 1 chỉ làm nơi để xe và phòng bảo vệ. Anh rao bán cách đây hơn 1 tháng và đến nay đã bán được 18 căn, khách hàng đều tới ở rồi. 6 căn còn lại đều có người tới đặt tiền hoặc xem. Ngày nào anh cũng nhận được hàng chục cuộc điện thoại của khách hàng hỏi mua và hẹn xem nhà.

Trên các trang web về nhà đất khác, những tin rao như sở hữu căn hộ mini như ý chỉ 380 triệu đồng, chung cư mini giá sốc, căn hộ mini pháp lý, sổ đỏ đầy đủ… ngày càng được tung ra nhiều và hút người xem. Thậm chí, một số website còn đưa những tin này lên nổi bật trang chủ, hoặc tạo banner động riêng cho những tin rao bán chung cư mini.

Cá nhân có thể xây chung cư mini, nhưng để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, chung cư mini phải có giấy phép xây dựng đảm bảo nhiều yếu tố. Ảnh: Vtc.vn

Trên website wikinhadat.com, dự án chung cư mini ở Từ Liêm và Tây Hồ của Công ty CP bất động sản địa chính Hà Nội là một trong những dự án có tốc độ giao dịch thành công nhanh nhất. Các chung cư mini này đều được thiết kế 6 tầng, diện tích từ 33 m2 đến 47 m2, với giá từ 680 triệu đồng tới hơn 1,2 tỷ đồng. Khu chung cư có nhà để xe rộng rãi, hợp đồng điện nước thành phố riêng biệt, hệ thống báo cháy tự động, bình bọt cầu thang, bể nước cứu hỏa tầng thượng, hộp kỹ thuật cầu thang từng tầng, giấy chứng nhận đảm bảo an toàn chịu lực, và đặc biệt sổ đỏ chính chủ, đầy đủ giấy tờ theo nghị định 71 – NĐCP, tách sổ cho từng căn. Mới rao bán trong một thời gian ngắn nhưng cả 2 khu chung cư mini trên chỉ còn 7 căn trống.
Theo một lãnh đạo của Công ty CP Bất động sản GP Invest, đứng về quan điểm từ các chủ đầu tư, việc thi công gấp rút gọn gàng, thu hồi vốn nhanh, ít rủi ro, "hàng" ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó là ưu thế vượt trội của chung cư mini so với loại hình chung cư cao cấp và nhà liền kề.
Ông Nam, chủ một căn hộ mini mới mua ở Tây Tựu – Từ Liêm (mà chủ đầu tư là ông Trần Văn Thành) cho biết: “Với số tiền chưa tới 500 triệu đồng mà vợ chồng tôi có ngay được chỗ ở ổn định không quá xa nội thành là một điều mơ ước. Nếu mang số tiền này gửi ngân hàng thì mỗi tháng tôi có lãi 5 triệu đồng, song phải thuê nhà. Mà nếu thuê căn nhà tốt thì tiền thuê cũng từng đó. Song cứ đi thuê mãi thì khi nào chúng tôi mới có nhà. Còn từng đấy tiền mà mua được căn hộ ngay, dù nhỏ, nhưng chúng tôi cũng có tài sản là căn hộ, sau này muốn mua ngôi nhà lớn hơn, có thể bán căn hộ ấy đi, vẫn có lời”.
Còn những người mua được căn hộ mini ở gần trung tâm với giá khoảng 800 triệu đến hơn 1 tỷ đồng thì cho hay, với từng đó tiền mà được ở ngay trong nội thành thì không còn sự lựa chọn nào hơn. Chính những tâm lý trên đã khiến chung cư mini ngày càng sốt, vừa rao bán đã có khách hỏi mua hết.
Theo ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc công ty CP kinh doanh và môi giới bất động sản WIKINHADAT, hiện chung cư mini là loại hình bất động sản có tốc độ giao dịch nhanh nhất so với các sản phẩm nhà đất khác tại wikinhadat.com. Có những dự án, căn hộ mini vừa mới rao đã có người đặt mua trong ngày. Tuy nhiên, mua chung cư mini cũng có nhiều rủi ro và bất cập. Ông Việt cho hay, để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, chung cư mini phải có giấy phép xây dựng đảm bảo nhiều yếu tố như quy hoạch của khu vực, phương thức phòng cháy chữa cháy, cầu thang thoát hiểm, phải nộp thuế và các lệ phí kinh doanh… Tuy nhiên, thực tế, rất ít chung cư mini đáp ứng được các tiêu chí này. Nhiều chung cư mini chủ xây dựng chỉ có sổ đỏ của khu đất và toàn bộ khu nhà, khi bán từng căn hộ cho khách hàng thì không thể tách sổ đỏ vì không đủ điều kiện. Khách hàng khi mua căn hộ này chỉ có được tờ giấy chứng nhận mua bán có công chứng của chính quyền, nên nhiều người vẫn mang tâm lý bất an.

Còn Phó tổng giám đốc Công ty CP bất động sản Sài Gòn Thương tín, Bùi Tất Thắng cho hay, người ta cứ nói căn hộ mini giá rẻ, nhưng thực tế nếu tính trên đầu m2 thì không hề rẻ chút nào, với những căn hộ được cấp giấy tờ sở hữu nhà ngay. Chẳng hạn, một căn hộ diện tích 35 m2, có giấy tờ, sổ đỏ đầy đủ, nằm gần trung tâm thì giá cũng lên tới 800 triệu đồng. Như vậy, giá mỗi m2 lên tới gần 23 triệu đồng. Mức giá này so với các chung cư hạng trung (khoảng 18 – 22 triệu đồng/m2) là cao chứ không hề thấp. “Chẳng qua, vì căn hộ diện tích bé nên tổng số tiền phải trả thấp hơn, vừa với túi tiền của nhiều người, nên họ không còn sự lựa chọn nào khác”, ông Thắng nói.


Đông Nhiên

Continue Reading »

Ngân hàng Úc CBA rót thêm hơn 1.000 tỷ đồng vào VIB

Commonwealth Bank of Australia (CBA) đã hoàn thành việc đầu tư thêm 1.150 tỷ đồng vào VIB nhằm tăng cường cơ sở vốn, hệ số an toàn vốn, mở rộng cơ hội kinh doanh và quy mô hoạt động cho VIB.
Theo đó, tỷ lệ sở hữu cổ phần của CBA tại VIB đã tăng từ 15% lên 20% vốn điều lệ của VIB. VIB cũng đã nâng vốn chủ sở hữu lên trên 8.200 tỷ đồng. Những thông tin này được công bố vào ngày 20/10.
 

Lễ công bố chính thức tăng vốn của cổ đông chiến lược CBA tại VIB ngày 20/10


CBA là một tổ chức tài chính hàng đầu tại Úc, đồng thời, là 1 trong 20 ngân hàng an toàn nhất thế giới và hiện đứng trong nhóm 10 ngân hàng lớn nhất toàn cầu về giá trị vốn hóa thị trường. Trong thời gian qua, không chỉ đầu tư vốn vào VIB, CBA đã thực hiện chương trình “Chuyển giao năng lực” nhằm giúp VIB nâng cao hơn nữa năng lực điều hành và kinh doanh, quản lý rủi ro và tăng cường sức mạnh cạnh tranh.

Hiện CBA có 2 thành viên cao cấp của Ban điều hành là đại diện tại HĐQT VIB là ông Garry Lynton Mackrell - Giám đốc Bank West, Giám đốc ngân hàng Hàng Châu, Giám đốc ngân hàng ASB LTD kiêm giám đốc tập đoàn (Life) ASB LTD – là một ngân hàng thuộc Tập đoàn Commonwealth Bank và ông Wayne Hoy - Giám đốc Dịch vụ Tài chính quốc tế, CBA Sydney.

CBA hiện có 1 đại diện trong Ban Kiểm soát VIB và trên 20 chuyên gia đang làm việc tại VIB trong các lĩnh vực then chốt bao gồm: ngân hàng bán lẻ, quản lý rủi ro, phát triển nhân sự, công nghệ thông tin, hoạt động nguồn vốn và tài chính. Số lượng chuyên gia CBA làm việc tại VIB sẽ tăng lên 40 người trong năm 2012 và sẽ tiếp tục tăng dần trong các năm tiếp theo. CBA và VIB cũng sẽ tăng cường hoạt động trao đổi nhân sự giữa 2 bên nhằm đáp ứng cho việc triển khai các mục tiêu chiến lược nhằm đưa VIB trở thành tổ chức tài chính hàng đầu tại Việt Nam.

Nói về việc tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại VIB, ông Wayne Hoy - Giám đốc Dịch vụ Tài chính quốc tế, CBA Sydney cho biết: “VIB và CBA đều có mục tiêu là trở thành ngân hàng số 1 về trải nghiệm khách hàng tại thị trường của mỗi nước. Với việc tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần và đầu tư tại VIB, chúng tôi đã mở rộng cam kết chuyển giao năng lực để giúp VIB triển khai các kế hoạch kinh doanh và phát triển bền vững”.

Ông Hàn Ngọc Vũ – Chủ tịch HĐQT của VIB cho biết: “VIB đã xác định tầm nhìn của mình trong nhiều năm qua là liên tục không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, năng lực tài chính, quản trị rủi ro hướng tới chuẩn mực quốc tế. Việc CBA trở thành cổ đông chiến lược trong hơn 1 năm trở lại đây và việc tăng vấn từ 15% lên 20% lần này là nằm trong lộ trình góp phần thực thi tầm nhìn đó”.

Sau 15 năm hoạt động, VIB đã có tổng tài sản đạt trên 100 nghìn tỷ đồng (tương đương trên 5 tỷ USD). VIB hiện có trên 4.000 cán bộ nhân viên phục vụ trên 1 triệu khách hàng tại 150 chi nhánh và phòng giao dịch tại trên 27 tỉnh/thành trọng điểm trong cả nước. Trong quá trình hoạt động, VIB đã được các tổ chức uy tín trong nước, nước ngoài và cộng đồng xã hội ghi nhận bằng nhiều danh hiệu và giải thưởng, như: danh hiệu Thương hiệu mạnh Việt Nam, danh hiệu Ngân hàng có dịch vụ bán lẻ được hài lòng nhất, Ngân hàng thanh toán quốc tế xuất sắc, ngân hàng có chất lượng dịch vụ khách hàng tốt nhất, đứng thứ 3 trong tổng số 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam về doanh thu...

PV

Continue Reading »

Giá vàng quay đầu tăng mạnh


 
Giá vàng trong nước sáng nay (21/10) đã tăng tới 350 nghìn đồng/lượng, cùng đà giá vàng trên thị trường châu Á tăng trở lại.
Lúc 12h30 phút trưa nay, giá vàng Rồng Thăng Long của thương hiệu Bảo Tín Minh Châu và SJC tự do đều được niêm yết ở mức 43,25 - 43,55 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 330 đồng/lượng. Giá vàng của thương hiệu SBJ hiện cũng đang được niêm yết ở mức 42,81 - 43,09 triệu đồng/lượng, tăng tương đương là 200 - 350 nghìn đồng/lượng.
Với mức giá đang niêm yết ở hiện tại, khoảng cách mua vào - bán ra của các thương hiện vẫn được giữ ở mức khoảng 300 nghìn đồng/lượng.
Nếu quy đổi giá vàng thế giới ra tiền Việt theo tỷ giá tự do được niêm ngày hôm nay thì mỗi lượng vàng trong nước vẫn cao hơn quốc tế khoảng gần 2 triệu đồng/lượng.
Trước đó, trong ngày hôm qua giá vàng trong nước liên tục trượt giảm mạnh, lùi về sát mốc 43 triệu đồng/lượng, khi giảm đến gần 600 nghìn đồng/lượng.

Như vậy, tính từ đầu tuần đến nay giá vàng thế giới liên tục diễn ra theo xu hướng giảm giá, điều này đã kéo thị trường vàng trong nước giảm mạnh. Tính tổng từ đầu tuần đến nay, giá kim loại quý này đã giảm gần 1 triệu đồng/lượng, từ mức 44,3 triệu đồng vào ngày thứ hai (17/10) xuống còn 43,55 triệu đồng vào trưa nay.

Yến Nhi
Continue Reading »