Labels

Labels

Labels

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Công nhân dãi nắng dầm mưa phản đối công ty cà phê Đắk Đoa

Suốt 1 tuần nay, hơn 200 công nhân Công ty cà phê Đắk Đoa (Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) bất chấp nắng mưa, tập trung về trụ sở công ty yêu cầu được gặp Ban lãnh đạo giải thích rõ hợp đồng giao khoán mà công ty đơn phương đặt ra.
Nấu cháo trắng cầm hơi chờ lãnh đạo
PV báo Dân trí nhận được đơn kêu cứu của tập thể công nhân Công ty cà phê Đắk Đoa, về việc công ty đơn phương ra phương án hợp đồng giao khoán mới mà theo đó công nhân không được nhận lương, phải tự đóng bảo hiểm và đẩy công nhân đến cảnh bần cùng.
Theo đó, Ban lãnh đạo Công ty đã ra kế hoạch 5 năm (2011- 2015) giao khoán 320,73 ha cà phê kinh doanh cho hơn 300 công nhân, với một phương án mới được gọi là “nửa cứng, nửa mềm”. Người nhận khoán phải nộp 7.286 kg quả tươi/ha/năm; không được nhận lương như trước đây; phải nộp thêm 9,5 % tiền bảo hiểm ứng với bậc lương.
Theo đơn, PV đã tới trụ sở Công ty Đắk Đoa ngày 30/9 và chứng kiến cảnh hơn 200 công nhân tụ tập chờ câu trả lời của lãnh đạo. Đó là ngày thứ tư số công nhân này tập trung ở đây, nấu cháo trắng ăn tại chỗ để gặp bằng được lãnh đạo công ty, và đến sáng 30/9 họ nhận được lịch hẹn gặp mặt với ông Nguyễn Văn Trương – Phó Tổng giám đốc Công ty Cà phê Việt Nam.
 
Công nhân góp gạo nấu cháo trắng và uống nước lọc ngay tại trụ sở công ty để chờ đợi gặp ban lãnh đạo
 
Tuy nhiên, đến khoảng 10 giờ ngày 30/9, một đại diện của công ty đến gặp công nhân và thông báo hủy cuộc gặp, giải tán công nhân với lý do công nhân mất trật tự nên không làm việc được.

Các công nhân lại kéo nhau ra sân nấu cháo trắng tự phục vụ, để chờ một lời giải thích về hợp đồng giao khoán “nửa cứng, nửa mềm”. Đến hơn 12 giờ, Ban lãnh đạo công ty cà phê Đăk Đoa định rời khỏi công ty, nhưng vì cả Giám đốc Công ty Cà phê Đắk Đoa và Phó Tổng giám đốc Công ty Cà phê Việt Nam chưa giải thích vấn đề cho công nhân nên họ đã không đồng ý cho hai ông này đi.

Sau đó, cả hai ông quay trở lại và “cố thủ” trong phòng đến 17 giờ chiều, mặc cho công nhân đội nắng, đứng mưa để chờ đợi những câu trả lời. Chỉ đến khi họ hẹn gặp công nhân vào sáng 1/9, thì công nhân mới chịu đi về.
Tuy nhiên, trong buổi họp sáng 1/9, mọi vấn đề về phương án “nửa cứng, nửa mềm” vẫn chưa được thay đổi.
Hợp đồng giao khoán bóp nghẹt công nhân

Trong tâm trạng bức xúc và lo lắng, ông Nguyễn Xuân Nho (công nhân sản xuất số 4) cho biết: “Phương án giao khoán trước đây chúng tôi nhận khoán 11.300kg quả tươi/ha/năm đã là quá sức đối với những ha bị sâu bệnh, thời tiết không thuận lợi… công nhân không nộp đủ khoán sản nên bị trừ lương, nợ nần nối tiếp nhau.
 
Hàng trăm công nhân đang hoang mang không hiểu nên ký hợp đồng giao khoán hay chấp nhận bị tước mất các quyền lợi hợp pháp của người lao động
Nhưng bù lại chúng tôi được trả lương công nhân, thực hiện các chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… còn phương án giao khoán mới này công nhân không được nhận lương, thưởng khi vượt khoán và phải tự mình đóng bảo hiểm cho mình”.
Anh Nguyễn Hữu Vững (công nhân đội sản xuất số 2) cho biết thêm: “Hàng tháng người nhận khoán ngoài trách nhiệm đóng 9,5% bảo hiểm theo bậc lương còn phải nộp khoản chênh lệch giữa bậc lương đăng ký đóng bảo hiểm theo Luật Lao động với bậc lương công việc mà phương án khoán mới theo kiểu “vừa cứng, vừa mềm” do công ty mới xây dựng.
Chẳng hạn một công nhân bậc 5, với hệ số bậc lương là 3,18 nếu ký hợp đồng giao-nhận khoán này họ sẽ phải đóng bù các chế độ bảo hiểm mỗi năm hơn 7,5 triệu đồng… trong khi lương thì không được nhận. Công nhân đổ mồ hôi trên lô cà phê, vừa lao động theo kiểu không lương lại vừa mang nhiều khoản nợ như vậy đến vụ thu hoạch chúng tôi lại càng nợ nần chồng chất”.
Theo nhiều công nhân, với năng suất bình quân của diện tích cà phê này, nhiều công nhân khi theo hình thức giao khoán cũ đã phải mua thêm cà phê để bù vào cho đủ khoán. Nhiều họ đã đề xuất với Tổng công ty và các cơ quan nắm lại năng suất, diện tích và xác định lại mức giao khoán phù hợp.
Tuy nhiên, khi đề xuất này chưa được thực hiện, thì hình thức giao khoán mới được đưa ra, được công nhân cho là đẩy họ vào con đường cùng cực vì họ gần như làm việc không công và không có nguồn thu nhập để sống vì toàn bộ số cà phê làm được chỉ đủ để nộp cho công ty.
Trong số hơn 300 công nhân của Công ty, có rất nhiều người đã cống hiến gần trọn đời trên mảnh đất của Công ty từ thời còn là Xí nghiệp nông công trường chè Đắk Đoa. Đến năm 1999, Xí nghiệp chè này làm ăn thua lỗ, chuyển đổi sang trồng cà phê và thành lập thành Công ty này. Năm 2005, Cty cà phê Đắk Đoa sáp nhập vào Công ty Cà phê Ia Sao, thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam. Đến 4/2011, Cty Cà phê Ia Sao giải thể và Cty Cà phê Đắk Đoa lại tách ra, kèm theo nhiều hệ lụy mà có thể đó chính là nguyên nhân của hợp đồng giao khoán tréo ngoe này.
Thiên Thư
Continue Reading »

Rà soát phí dịch vụ chung cư


 
Sở Xây dựng Hà Nội vừa đề nghị các quận, huyện, chủ đầu tư vận hành nhà chung cư tại Hà Nội tiến hành rà soát phí dịch vụ chung cư đã thu của các hộ dân.
Sau khi rà soát, chủ đầu tư phải thông báo công khai, minh bạch việc sử dụng các khoản phí dịch vụ và tổng hợp ý kiến của nhân dân, khó khăn, vướng mắc trong quản lí dịch vụ chung cư gửi về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND TP. Ngoài ra, UBND các quận, huyện chủ động giải quyết tranh chấp về giá dịch vụ nhà chung cư giữa chủ đầu tư vận hành nhà chung cư và các hộ dân.
 
Trước đó, vào ngày 30/9/2011, UBND TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt đề án giá dịch vụ nhà chung cư. Theo đó, phí quản lý nhà chung cư có 3 mức giá gồm: Mức thấp nhất là 2.400 đồng/m2/tháng áp dụng cho chung cư không có thang máy; mức 3.100 đồng/m2/tháng áp dụng cho chung cư có thang máy ở mức thiết yếu; và mức 4.000 đồng/m2/tháng áp dụng cho nhà chung cư có thang máy – mức mở rộng. Như vậy, mức giá trần của giá dịch vụ nhà chung cư theo quyết định này là 4.000 đồng/m2/tháng.
 
Giá trên đã bao gồm chi phí để thực hiện hoàn chỉnh các thành phần công việc, chi phí quản lý chung (gồm cả chi phí cho Ban quản lý), lợi nhuận của doanh nghiệp, thuế VAT và chưa tính đến nguồn thu để bù đắp chi phí dịch vụ nhà chung cư theo đặc thù của từng dự án.

(theo DDDN)
Continue Reading »

Phá dỡ công trình, ngang nhiên bịt lối đi của dân


Hơn chục năm nay sống yên ổn trong căn nhà của mình, bỗng nhiên vợ chồng bà Nguyễn Thị Hồng Loan ở phía sau Bách hóa Cầu Giấy (số 139 Cầu Giấy, phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) lại bị “nhốt” trong nhà suốt chục ngày nay…
Vô cớ bịt lối đi
Phản ánh tới đường dây nóng Laodong.com.vn, bà Loan cho biết: Mảnh đất xây dựng căn nhà hiện nay của gia đình bà vốn là khu nhà vệ sinh được Cty Thương mại Từ Liêm (nay là Cty CP Thương mại Cầu Giấy) bán thanh lý từ năm 2000, với diện tích 36,9m2. Gia đình đã mua và xây nhà ở từ đó đến nay đã hơn chục năm. Lối đi của gia đình được bố trí đi qua khu bếp của Cty. Thế nhưng, đã cả tuần nay, lối đi ấy bỗng nhiên bị bịt lại bởi những gạch đá, sắt thép, phế liệu xây dựng khi Cty CP Thương mại Cầu Giấy (Cty Cầu Giấy) cho phá dỡ tòa nhà Bách hóa để làm dự án “Tổ hợp siêu thị văn phòng và nhà ở”.
Lối đi của gia đình bà Loan hiện nay bị chặn bởi ngổn ngang gạch, sắt. Ảnh: Nguyễn Lê
Lối đi của gia đình bà Loan hiện nay bị chặn bởi ngổn ngang gạch, sắt. Ảnh: Nguyễn Lê
Điều đáng nói, mảnh đất gia đình bà Loan đang sử dụng là hoàn toàn hợp pháp và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở năm 2010.
“Ngày 23.9, phía Cty gửi cho gia đình chúng tôi giấy thông báo thời gian phá dỡ công trình sẽ được bắt đầu từ ngày 25.9, trong khoảng thời gian sáng từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30 và chiều từ 13 giờ 30 đến 17 giờ 30 hàng ngày, gia đình chúng tôi không được đi lại. Thế là, hàng ngày tiếng máy khoan, máy cẩu phá tường, cùng với những mảng bê tông đổ ầm ầm khiến chúng tôi phát hoảng, cứ ngồi im trong nhà bởi lối đi đã bị chặn hết cũng không thể đi lại được, điều này đã làm cuộc sống sinh hoạt gia đình bị đảo lộn”, bà Loan bức xúc.
Mảnh đất nhà bà Loan đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Ảnh: Nguyễn Lê
Mảnh đất nhà bà Loan đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Ảnh: Nguyễn Lê
Ông Nguyễn Công Ngữ, chồng bà Loan năm nay 75 tuổi là một tiến sĩ nông nghiệp có nhiều cống hiến cho xã hội, đã nghỉ hưu than phiền, gạch đá ngổn ngang khiến tôi định đi ra ngõ có chút việc bị vấp ngã ngay, chân giờ đau nhức quá, muốn đi khám nhưng cũng chẳng có ai cõng ra đường được.
Theo như thông báo của Cty mà chúng tôi đọc được, gia đình bà Loan nếu có việc gì cần thiết ra ngoài thì phải gọi điện cho đơn vị thi công, nếu không thực hiện đúng quy định thời gian đưa ra thì phía Cty sẽ không chịu trách nhiệm.
Cty Cầu Giấy “né” trách nhiệm
Theo quan sát của PV, mọi giao dịch của gia đình bà Loan đều tạm thời phải qua bức tường cao gần 2 mét phía trước nhà. Hàng ngày, đứa con trai đang học lớp 11 cũng buộc phải trèo tường ra ngoài để đến trường, còn bà Loan thì phải túc trực, hễ nghe thấy tiếng rao bán rau đi qua thì phải gọi để mua. Năm nay đã 65 tuổi, nhìn bà bê chiếc xe đạp lên trên tường và nhờ người đứng ngoài đỡ hộ để cho con đi học thật vất vả, nguy hiểm.
Mọi giao dịch của gia đình bà Loan đều phải qua bức tường cao gần 2 mét này. Ảnh: Nguyễn Lê
Mọi giao dịch của gia đình bà Loan đều phải qua bức tường cao gần 2 mét này. Ảnh: Nguyễn Lê
Điều đáng nói, phía sau bức tường đó là ngách 155/7 Cầu Giấy và đã nhiều năm nay gia đình bà Loan đã gửi đơn lên các cơ quan chức năng để xin mở lối đi nhưng đều không được chấp nhận với lý do: gia đình bà thuộc tổ 15, còn bức tường gần 2 mét ấy và ngõ đi đó là của tổ dân phố 16, gia đình bà Loan phải đi ngõ cùng với phía Cty Cầu Giấy.
Tâm sự với chúng tôi, vẻ buồn rầu xen lẫn bế tắc hiện rõ trên khuôn mặt bà Loan khi bà cứ chạy tới, chạy lui tới hết phường đến quận và Cty nhưng những cơ quan này đều không giải quyết mà cứ đẩy trách nhiệm cho nhau.
Trao đổi với PV Laodong.com.vn chiều 3.10, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Quan Hoa cho rằng: Việc này trách nhiệm thuộc về Cty CP Thương mại Cầu Giấy vì họ bán đất cho người dân thì tất yếu phải mở lối đi cho họ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Tuyên, Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại Cầu Giấy thì lại rất ủng hộ việc gia đình bà Loan mở lối đi ở ngách 155/7. Theo ông Tuyên, lối đi Cty để cho gia đình bà Loan đi lại khi xây dựng nhà ăn trước đây chỉ là tạm thời khi chưa mở được lối đi ra ngách 155/7.
Trong khi chờ làm sáng tỏ việc phân định trách nhiệm mở lối đi cho gia đình bà Loan thuộc về bên nào thì đôi vợ chồng già cùng đứa con mới học cấp 3 vẫn phải chịu cảnh bị “nhốt” trong chính ngôi nhà của mình. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần nhanh chóng vào cuộc giải quyết sự việc để gia đình bà Loan sớm có thể thoát khỏi tình cảnh như hiện nay.
Nguyễn Lê
Continue Reading »

Giá cả hàng hóa còn nhiều biến động phức tạp


 
Theo dự báo, thị trường hàng hóa các tháng còn lại của năm 2011 có thể diễn biến phức tạp, do chịu tác động bởi nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Trong đó đáng chú ý là áp lực lạm phát đang nổi lên, nhất là đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm. 
Thực phẩm còn nhiều biến động về giá

Theo báo cáo Bộ Công Thương, thị trường trong nước những tháng qua đã tiếp tục phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng tháng trên 20% so với cùng kỳ năm trước, cung cầu các hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, đáp ứng đủ các nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng của mọi tầng lớp dân cư, kết cấu hạ tầng thương mại.

Ngoài ra, các chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường tại các trung tâm lớn tiếp tục được duy trì và mở rộng, tạo thuận lợi cho sản xuất, lưu thông các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm nguồn cung cho thị trường.

Để làm được việc này, vai trò của các doanh nghiệp Nhà nước trong nỗ lực bình ổn thị trường và cung ứng hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng trong 9 tháng qua đã được phát huy ở mức độ nhất định.

Điển hình, cơ cấu thành phần kinh tế nhà nước trong tổng mức bán lẻ tăng từ 9,8% năm 2008 lên hơn 11% trong 9 tháng năm 2011; trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm từ 3,4% năm 2008 xuống khoảng 2,8%.

Tuy tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng thị trường còn thiếu ổn định và bền vững, mức tăng qua các tháng không cao (phần lớn tăng dưới 2%/tháng), đồng thời các nhóm du lịch và khách sạn, nhà hàng đều tăng thấp hơn mức tăng chung, điều này cho thấy ảnh hưởng của lạm phát cao làm suy giảm sức mua thực và xu hướng tiết giảm các khoản chi tiêu không cần thiết.

Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương), giá cả hàng hóa còn nhiều biến động do ảnh hưởng các yếu tố như thời tiết, dịch bệnh và còn phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới.

Cũng theo ông Vỵ, nguồn cung của một số hàng hóa, vật tư thiết yếu còn thiếu bền vững, trong một số thời điểm nhất định một số mặt hàng thực phẩm có sự bất ổn về nguồn cung do dịch bệnh (đối với thịt lợn) và giảm sút diện tích canh tác (đối với rau, củ, quả ở các tỉnh xung quanh Hà Nội), ảnh hưởng đến giá cả thị trường và tác động tới CPI chung của cả nước.

"Theo dự báo, thị trường hàng hóa các tháng còn lại của năm 2011 có thể diễn biến phức tạp, chịu tác động bởi nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó đáng chú ý là áp lực lạm phát đang nổi lên, nhất là đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm", ông Vỵ nói.

<>Quyết không để tình trạng sốt giá cuối năm

Theo Bộ Công Thương, tình hình sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn do mặt bằng lãi suất còn cao, chi phí đầu vào cao... Dự kiến tổng mức bán lẻ năm 2011 tăng khoảng 22% so với năm 2010, đạt 1.880 nghìn tỷ đồng.

Ông Vỵ, mặc dù tình hình hàng hoá cuối năm còn nhiều khó khăn, tuy nhiên để thực hiện mục tiêu khống chế mức tăng giá năm 2011 khoảng 18%, trong những tháng tới, nhiệm vụ điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường giá cả sẽ còn nặng nề và phức tạp.

Vì vậy, các đơn vị ngành công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung-cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung-cầu và bình ổn thị trường nhằm bảo đảm sản xuất, đáp ứng nhu cầu của xã hội, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, góp phần kiềm chế lạm phát.

Cùng với việc tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nội địa để góp phần bình ổn thị trường; phối hợp với Liên minh Hợp tác xã trong việc tiêu thụ hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp, các ngành chức năng sẽ t ăng cường kiểm soát thị trường , đảm bảo cung ứng tốt những mặt hàng trọng yếu như xăng dầu, phân bón, sắt thép, giấy in, xi măng, gạo, dược phẩm ....

Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường.

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết, nhiệm vụ của quý 4 hết sức nặng nề để hoàn thành mục tiêu năm 2011.

Vì vậy, các Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc ngành công thương cần thực hiện mọi biện pháp điều hành và giải quyết khó khăn vướng mắc để đảm bảo cân đối cung cầu; không để sốt giá trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang chỉ đạo.

Minh Hường
Continue Reading »

Cuối năm, nguồn cung xăng dầu và điện sẽ ổn định


 
Theo báo các của 2 Tập đoàn điện lực Việt Nam và Petrolimex, mặc dù còn nhiều khó khăn trong quý IV, nhưng nguồn cung điện và xăng dầu từ nay đến cuối năm 2011 sẽ vẫn được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của xã hội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Sáng nay (3/10), Bộ Công Thương đã tổ chức buổi họp giao ban trực tuyến giữa hai đầu cầu TP.HCM và Hà Nội, đánh giá về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 9 tháng năm 2011.

Phát biểu tại buổi giao ban ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong 9 tháng vừa qua tổn thất điện đã giảm được 9,5% (giảm được hơn 1% so với cùng kỳ năm trước) và điện thương phẩm 9 tháng đạt 70.230 triệu kwh, tăng 11%.  Con số này đã đạt được chỉ tiêu Bộ Công Thương đặt ra và giao.

Cũng theo ông Lộc, để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế, xã hội đúng như theo chỉ đạo của Bộ đã đặt ra trong quý IV, EVN sẽ phấn đấu các biện pháp như mua ngoài, vận hành thêm các nhà máy phát điện mới.

Theo dự tính sản lượng điện sản xuất và mua trong quý IV có thể đạt 27,3 tỷ kwh, điện thương phẩm đạt 24 tỷ, cả năm là 94,2 kwh. Ngoài ra, hiện nay EVN đang chỉ đạo các đơn vị phải đảm bảo an toàn hệ thống vận hành, đặc biệt là các nhà máy thủy điện với mục tiêu là cố gắng đảm bảo tích nước cho mùa khô 2012, ông Lộc cho biết.

Còn đối với các dự án nguồn điện, trong 9 tháng đầu năm EVN đã đưa vào vận hành 8 tổ máy và quý IV còn 4 tổ nữa, trong đó có tổ số IV thủy điện Sơn La sẽ vào đúng tiến độ đảm bảo mục tiêu đầu tư 2011, ông Lộc nói.

Chia sẻ về nguồn cung, bà Đàm Thị Huyền - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, quý IV thường là quý chuẩn bị công tác tạo nguồn hàng cho Tết Dương lịch và Tết âm lịch. Vì vậy, yêu cầu đảm bảo nguồn được đặt lên là mục tiêu hàng đầu. Về tổng thể, sản lượng trong quý IV không có vấn đề gì lo ngại, nhưng quan trọng nhất với đặc thù của giá thế giới trong quý VI cũng không có gì có thể nói trước được.

“Nhưng về nguyên lý đây chưa phải là giao đoạn khó khăn nhất, nên tổng nguồn là hoàn toàn có khả năng đáp ứng được”, bà Huyền khẳng định.

Một đặc điểm nữa trong quý IV này là mưa bão trong thời gian vừa qua đã diễn ra liên tục nên việc đảm bảo nguồn với từng địa phương đối với Petrolimex thì càng trở nên khó hơn, vì liên quan đến công tác vận tải, bà Huyền nói.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này theo báo các của  các đơn vị cũng cho thấy là mặc dù có những vùng có thể bị chia cắt, hoặc bị ngập. Tuy nhiên, trong từng địa bàn đấy họ cũng đã có cách khắc phục. Nguyên nhân là do địa bàn này đã từng xảy ra tình trạng lũ lụt, nên người dân nơi đây dường như đã có những bản năng và chuẩn bị nguồn từ trước. Vì vậy nhu cầu về xăng dầu nhìn chung vẫn được bảo đảm, bà Huyền cho biết.

Yến Nhi
Continue Reading »

ACB khẳng định vô can trong nghi án tố giác lãi suất


 
“Hành vi gài bẫy hay tố giác sau lưng ngân hàng bạn là xa lạ với triết lý kinh doanh, không được chấp nhận trong hành động và không tồn tại trong tư duy của ACB”.
Đây là khẳng định được chính Chủ tịch HĐQT Trần Xuân Giá và Tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) Lý Xuân Hải đưa ra tại thư ngỏ bày tỏ quan điểm, sau gần một tháng xảy ra nghi án bẫy lãi suất tại ngân hàng Đông Á chi nhánh Tây Ninh.
Trong thư ngỏ, hai lãnh đạo cao nhất của ACB cho biết, ngân hàng không đặc việc đạt mục tiêu phát triển bằng mọi giá. Vì vậy, ACB rất không vui khi có thông tin ACB gài bẫy và tố giác ngân hàng bạn vượt trần lãi suất với Ngân hàng Nhà nước.

Cũng theo hai lãnh đạo cao nhất của ACB, hành vi gài bẫy hay tố giác sau lưng ngân hàng bạn là xa lạ với triết lý kinh doanh, không được chấp nhận trong hành động và không tồn tại trong tư duy của ACB.

Theo lý giải của ACB, việc ông Nguyễn Lê Nam gửi tiền tiết kiệm với tư cách cá nhân và thông tin ấy được nhà băng này thu thập cùng các kênh khác như một phương thức thu thập thông tin thị trường.

Những thông tin này chỉ để cung cấp cho những người có liên quan phục vụ việc quyết định chính sách lãi suất, hoàn toàn không nhằm cung cấp cho bất kỳ cơ quan nào khác bên ngoài ACB. Như vậy, thông tin này đến với Ngân hàng Nhà nước không phải do ACB cung cấp, lãnh đại ngân hàng ACB cho biết.

"Ban lãnh đạo bao gồm HĐQT, ban TGĐ, GĐ các chi nhanh và toàn thể nhân viên ACB không chủ trương và tổ chức thực hiện gài bẫy bất kỳ ngân hàng nào", lãnh đại ngân hàng ACB tái khẳng định.

Yến Nhi
Continue Reading »

Té ngửa vì coi thường đăng ký sở hữu trí tuệ

Những vụ rắc rối liên tiếp cả trên thế giới và Việt Nam thời gian gần đây liên quan đến sở hữu trí tuệ lại gióng lên một hồi chuông cảnh báo các doanh nghiệp cần coi trọng hơn tới việc sử dụng các công cụ sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Hội trợ thương mại về hàng điện tử tiêu dùng lớn nhất Thế giới IFA 2011 diễn ra tại Berlin, Đức từ ngày 2 đến ngày 7/9/2011. Samsung hăm hở đem sản phẩm công nghệ mới nhất của mình, máy tính bảng Galaxy Tab 7.7, đến quảng bá và giới thiệu cho người tiêu dùng. Nhưng ngay vào ngày 2/9/2011, Tòa án Dusseldorf đã ra quyết định buộc Samsung phải ngay lập tức gỡ bỏ mọi quảng cáo liên quan đến máy tính bảng Galaxy Tab 7.7 cũng như thay nhãn trên gian hàng mà mình dự định sử dụng để giới thiệu mẫu máy tính bảng mới tại IFA 2011 theo yêu cầu của Apple.

Lý do mà Tòa Dusseldorf nêu ra là sản phẩm Galaxy Tab 7.7 của Samsung đã xâm phạm quyền độc quyền về kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ của Apple cho máy tính bảng iPad. Kế hoạch ra mắt sản phẩm công nghệ thượng thặng Galaxy Tab 7.7 của Samsung đã sụp đổ một cách bẽ bàng khi phải tự tay gỡ bỏ mọi quảng cáo về sản phẩm trước mặt công chúng. Ngay lập tức, cổ phiếu của Samsung đã giảm thêm 0,3%, xuống còn 769.000 won trên thị trường chứng khoán tại Seoul trong ngày 2/9/2011.
Ảnh minh họa
 Gỡ bỏ quảng cáo Samsung Tab 7.7 tại IFA 2011

Một câu chuyện khác diễn ra tại Việt Nam. Công ty Carabao Tawandang Co., Ltd (Thái Lan) là nhà sản xuất nước tăng lực lớn thứ thứ 2 tại Thái Lan với sản phẩm nước tăng lực mang nhãn hiệu “Carabao, hình đầu trâu”. Sản phẩm này của Công ty Carabao bán rất chạy và chiếm thị phần áp đảo tại thị trường các nước hồi giáo như Iran, Pakistan, Afghanistan. Nhưng gần đây, công ty Carabao phát hiện sản phẩm nhái nhãn hiệu của mình xuất hiện ồ ạt trên thị trường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh số bán hàng của Công ty tại các các thị trường này. Sau khi điều tra, Công ty Carabao phát hiện các loại nước tăng lực nhái được sản xuất và xuất khẩu từ Việt Nam nơi Công ty Carabao đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Carabao, hình đầu trâu” cho sản phẩm nước tăng lực từ năm 2005.

Từ đó, theo đề nghị của Công ty Carabao, Cục điều tra chống buôn lậu, Hải quan Việt Nam, đã phối hợp với Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh tiến hành điều tra, bắt giữ và xử phạt đối với 03 Công ty của Việt Nam với tổng số tiền lên tới 1 tỷ 48 triệu đồng, buộc tiêu hủy sản phẩm xâm phạm đối với hành vi sản xuất, tàng trữ và vận chuyển nước tăng lực xâm phạm nhãn hiệu “Carabao, hình đầu trâu”của Công ty Carabao tại Việt Nam.

Ảnh minh họa
 Nước tăng lực Carabao thật (trái) và hàng nhái Caraboe (phải).

Tiếp đó, Hải quan tỉnh Bình Dương cũng đã kiểm tra, phát hiện một Công ty sản xuất nước tăng lực có vốn đầu tư nước ngoài đặt tại Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore đã từng sản xuất và xuất khẩu nước tăng lực “Caraboe, hình đầu trâu” tới Afghanistan. Theo đó, Hải quan Bình Dương đã yêu cầu Công ty sản xuất hàng xâm phạm nhãn hiệu này phải tự tiêu hủy hết những sản phẩm nước tăng lực lỗi mang nhãn hiệu “Caraboe, hình đầu trâu” còn trong kho và ký cam kết không tái phạm hành vi vi phạm pháp luật.

Hai câu chuyện trên, tuy diễn ra ở hai quốc gia khác nhau với nội dung khác nhau nhưng đều có điểm chung là Công ty Apple và Carabao đã biết sử dụng công cụ pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ (quyền độc quyền về kiểu dáng công nghiệp sản phẩm và quyền nhãn hiệu) của mình một cách hiệu quả để bảo vệ thị phần, chống lại đối thủ cạnh tranh. Quyền sở hữu trí tuệ, ngoài bản chất là một loại tài sản vô hình (không bị hao mòn, không hạn chế đối tượng sử dụng bởi không gian và thời gian) nó còn là một công cụ pháp lý hữu hiệu trong kinh doanh để thâm nhập thị trường nước ngoài, bảo vệ thị phần, chống lại đối thủ cạnh tranh một cách hữu hiệu.
Trở lại câu chuyện xôn xao gần đây trong báo giới về việc tên gọi “Buôn Mê Thuột”, đã được bảo hộ là Chỉ dẫn địa lý tại việt Nam, đã bị một Công ty của Trung Quốc lấy để đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm cà phê tại nước này. Câu chuyện không mới vì trước đây các Nhãn hiệu như VINATABA, Trung Nguyên của Việt Nam hay chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” đã bị các doanh nghiệp nước ngoài chiếm đoạt bằng cách đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nhiều quốc gia.

Câu chuyện tên gọi “Buôn Mê Thuột” bị chiếm đoạt cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhận thức được đầy đủ lợi thế và sự cần thiết của việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ như là một luật chơi chung khi tham gia thị trường toàn cầu. Do vậy, các doanh nghiệp nước ta vẫn thụ động trong việc tiến hành đăng ký bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ của mình (như nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp sản phẩm) tại nước ngoài như một yêu cầu bắt buộc trước khi đưa sản phẩm/dịch vụ vào thâm nhập thị trường nước đó.
Theo các chuyên gia, một khi doanh nghiệp nhận thức được đầy đủ về tiềm năng và thế mạnh của việc sáng tạo, quyền sở hữu trí tuệ (quyền sở hữu tài sản vô hình) và biết sử dụng pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại nước ngoài như một công cụ kinh doanh, một công cụ cạnh tranh hiệu quả thì việc đầu tư về chi phí và thời gian cho việc sáng tạo và bảo hộ các tài sản sáng tạo của mình cũng như quyền sở hữu trí tuệ là điều tự nhiên và tất yếu như chính việc sản xuất và bán sản phẩm chứ không phải là một gánh nặng đầu tư như việc mua và sưu tầm danh hiệu.

Công Thường - Chính Trực
Continue Reading »

Giúp lành mạnh hóa đời sống công nhân

Công nhân từ khắp nơi nương tựa vào nhau thông qua câu lạc bộ. Nhờ đó, niềm vui được sẻ chia, rủi ro được kiểm soát. Mô hình này đang phát triển ở Hải Phòng.

Câu lạc bộ “Công nhân nhà trọ”


Chủ tịch Hội Phụ nữ quận Dương Kinh (TP.Hải Phòng) kiêm chủ nhiệm Câu lạc bộ “Công nhân nhà trọ” Nguyễn Thị Ánh Nguyệt chia sẻ: Câu lạc bộ đầu tiên được lập ở xã Hải Thành. Địa bàn xã hiện có khoảng 10 công ty lớn, thu hút số lượng lớn công nhân nữ, độ tuổi từ 18-30 (chiếm 65 - 70%), phần lớn chưa có gia đình.
Công nhân chế biến thuỷ sản trên địa bàn phường Hải Thành.
Do điều kiện lao động xa nhà nên họ phải cư trú tại các khu nhà trọ trên địa bàn phường. Một đặc điểm là hầu hết chị em đều làm việc với quy trình sản xuất dây chuyền, theo ca, thời gian làm việc từ 10- 12 giờ/ngày rất vất vả. Từ đó đã nảy sinh những vấn đề bất lợi như đình công, mất an ninh trật tự, mất vệ sinh, không ít chị em mang thai ngoài ý muốn khi chưa lập gia đình, bị lừa đảo...
Lúc đầu câu lạc bộ chủ yếu thu hút nữ công nhân của các Công ty Nhựa Phú Lâm, Công ty Da giày Đỉnh Vàng… Đến nay, câu lạc bộ đã lên 150 người và hoạt động định kỳ 3 tháng 1 lần. Câu lạc bộ thực sự đã trở thành mái nhà thân thiện của hầu hết công nhân.
Chị Nguyễn Thị Hương- công nhân da giày Đỉnh Vàng cho hay: “Cuối năm nay em lấy chồng, chồng tương lai cùng câu lạc bộ với em. Câu lạc bộ không chỉ là mái nhà chung của chúng em mà nó còn là “bà mối” cho không ít đôi như em”.
Chị Ánh Nguyệt chia sẻ: “Tham gia câu lạc bộ, công nhân được học hỏi những kỹ năng sống, pháp luật, cách phòng chống các tệ nạn xã hội và các lớp nghề ngắn hạn như cắm hoa, nấu ăn và giao lưu với nhau… Chính vì vậy, câu lạc bộ từ ban đầu chỉ thu hút được nữ công nhân thì giờ thu hút rất nhiều nam công nhân. Theo đó, tên câu lạc bộ phải đổi từ “nữ thanh niên nhà trọ” sang “công nhân nhà trọ”.
Mô hình đang được nhân rộng ra các phường Hải Thành, Anh Dũng và cuốn hút hàng trăm công nhân tham gia, đã góp phần không nhỏ để lành mạnh hóa đời sống công nhân và ổn định trật tự xã hội tại các phường có khu công nghiệp hoạt động.
Continue Reading »