Labels

Labels

Labels

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Lý giải “hồi cáo chung” của đại gia Kodak

Từ một thương hiệu máy ảnh nổi tiếng khắp thế giới, Kodak dần lùi vào dĩ vãng vì sự mất phương hướng của mình.
Vang bóng một thời

Tháng 6/1888, George Eastman nhận được bằng sáng chế cho chiếc máy ảnh sử dụng phim dạng cuộn đầu tiên trên thế giới có tên gọi là Kodak.

Đây là chiếc máy ảnh kiểu hộp, nhỏ, nhẹ và có lắp sẵn phim. Khi chụp xong, người dùng chỉ cần gửi máy ảnh về thành phố Rochester và tại nơi này, hãng Eastman sẽ tháo phim ra, rửa, in hình.

Chiếc máy ảnh Kodak đã thực sự tạo ra một cuộc cách mạng trong việc lưu giữ hình ảnh của nhân loại. Nó phá vỡ vĩnh viễn hình ảnh một phòng thí nghiệm đồ sộ đi cùng với máy chụp lúc bấy giờ. Do đó, Kodak khiến cả thế giới sục sôi kiếm tìm và trong bốn năm đầu, có tới 73.000 chiếc được tiêu thụ, cho dù chi phí mỗi chiếc khi đó lên tới 25 USD.

Trên cơ sở đó, thương hiệu lừng danh Eastman Kodak ra đời. Giải thích cho tên gọi Kodak, một tên gọi làm nhiều người tưởng nhầm là xuất phát từ Nhật Bản, Eastman đã giải thích rằng tên gọi này bắt đầu từ chữ cái “K”, chữ cái mà ông yêu thích bởi sự khỏe khoắn của nó. Tiếp theo đó, ông thử kết hợp chữ cái này với các nguyên âm trong tên của ông và cuối cùng Kodak là kết quả.

Kodak từng được cả thế giới biết đến là hãng sản xuất sản phẩm nhiếp ảnh lớn nhất thế giới.

Không dừng lại ở chiếc máy ảnh mang tính đột phá này, ông Eastman liên tục nghiên cứu, tìm tòi và đưa ra các cải tiến liên tiếp khác nhau. Vào năm 1895, một loại máy ảnh có thể xếp lại và bỏ túi, được tung ra thị trường rồi 5 năm sau, máy ảnh Brownie dùng cho trẻ em được bán ra với giá một USD một chiếc.

Bên cạnh các nỗ lực cải tiến, năm 1897, Kodak tài trợ cho cuộc thi nhiếp ảnh chuyên nghiệp thu hút 25.000 người tham dự. Năm 1904, công ty tiếp tục tài trợ cho cuộc trưng bày 41 bức hình du lịch cùng Kodak.

Đến năm 1920, Kodak dựng những bảng hiệu chỉ đường nhỏ “Picture Ahead” dọc những con đường cao tốc cùng với một lọat chiến dịch quảng cáo rầm rộ để làm tăng mức độ nhận biết cho tên gọi Kodak và logo ký hiệu màu vàng.

Và rồi những nỗ lực quảng cáo của công ty cũng thành công. Khi một người nào đó nhắc đến những vật như máy ảnh, phim hay những tấm ảnh gia đình, từ xuất hiện đầu tên trong tâm trí của họ là Kodak. Sự thành công này thúc đẩy công ty sớm đi đến quyết định phân phối sản phẩm vượt ra ngoài biên giới nước Mỹ. Chỉ 5 năm sau khi máy ảnh Kodak được giới thiệu tại Mỹ, họ đã khai trương một văn phòng kinh doanh đầu tiên tại London và nhanh chóng kéo theo hàng loạt văn phòng khác mở ra trên khắp châu Âu.

Năm 1930, Kodak có 75% thị phần thế giới trong ngành hàng thiết bị chụp ảnh và khoảng 90% lợi nhuận. Nhờ những đổi mới không ngừng cùng chiến dịch quảng cáo rầm rộ khiến Eastman Kodak nhanh chóng trở thành một hãng sản xuất sản phẩm nhiếp ảnh lớn nhất thế giới.

Dần đi vào lãng quên

Tuy nhiên, sự hùng mạnh của thương hiệu Eastman Kodak bỗng khựng lại bởi cuộc tấn công của kỹ nghệ ảnh số.

Dù Kodak phát minh ra chiếc camera kỹ thuật số đầu tiên vào giữa những năm 1970 và nắm trong tay gần 1.000 bằng sáng chế liên quan đến chụp ảnh kỹ thuật số nhưng trong tâm trí người tiêu dùng, nhãn hiệu Kodak chỉ gắn với những cuộn phim và máy ảnh cơ.

Thực tế khi phát minh ra chiếc máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới vào năm 1975, Kodak đã chần chừ với ý tưởng giảm bớt sự phụ thuộc mạnh mẽ vào lĩnh vực máy ảnh cơ khi đó đang có mức lợi nhuận cao. Chính sự chần chừ này của Kodak đã tạo điều kiện cho các đối thủ Nhật Bản như Canon và Sony có cơ hội vươn lên nhanh chóng trong lĩnh vực máy ảnh kỹ thuật số có tốc độ tăng trưởng chóng mặt hồi cuối thập niên 1990.

Sự tụt hậu đó tạo nên thách thức đối với họ trong thế kỷ mới chính là việc mở rộng tên gọi thương hiệu Kodak vốn nổi tiếng với các sản phẩm máy ảnh và phim truyền thống sang thế giới hình ảnh kỹ thuật số.

Do đó, Kodak nhanh chóng chuyển trọng tâm. Hãng đã thuê các chuyên gia về kỹ thuật số rất được kính trọng như Altonio M. Perez từ Hewlet-Packard và Bernard Masson từ Lexmark và yêu cầu họ tạo ra một nền văn hoá công ty nhanh chóng hướng về kỹ thuật số.

Kodak cũng mua các công ty có thể lấp vào những lỗ hổng về công nghệ và thị trường như Ofoto - một công ty xử lý ảnh trên mạng, Practice Works - một công ty bán thông tin cho các nha sĩ, bộ phận in ảnh kỹ thuật số của Heidelberger Druckmaschinen và NexPress Solutions của Heidelberger - một liên doanh với Kodak để sản xuất các máy in màu kỹ thuật số.

Những nỗ lực chạy đua với đối thủ trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số chỉ càng khiến công ty thêm tụt hậu.

Tuy nhiên, thành quả thu được từ những nỗ lực này dường như rất ít ỏi. Doanh thu của hãng không ngừng giảm sút. Vào năm 1988, Kodak có 145.300 nhân viên trên toàn cầu, đến nay chỉ còn 18.800 nhân viên. Nhân viên của Kodak cho biết, họ đã quen với nguy cơ mất việc bất kỳ lúc nào trong suốt mấy thập kỷ qua.

Không dừng lại ở đó, năm 2004, Kodak bị loại khỏi nhóm 30 cổ phiếu thuộc chỉ số Dow Jones, đồng thời đi tới quyết định tái khởi động một chiến dịch thúc đẩy mảng kỹ thuật số kéo dài bốn năm. Năm 2007, Kodak tưởng như đã thành công với mức lợi nhuận ròng 676 triệu USD, nhưng ngay sau đó, hãng lại bắt đầu một thời kỳ suy giảm mới.

Đã có những lúc nguồn thu chính của công ty không phải từ các khoản lợi nhuận mà chính các khoản tiền thu được từ các vụ kiện tụng đã giúp Kodak tồn tại.

Chỉ tính trong năm ngoái, công ty này nhận được gần một tỷ USD từ hai vụ kiện tụng liên quan đến bằng sáng chế, một với công ty Samsung và một với công ty LG Electronics. Sở dĩ Kodak đều thắng kiện là do công ty này đã bắt đầu đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cách đây 10 năm. Hiện tại, Kodak nắm trong tay 30 quyền sở hữu trí tuệ.

Một số chuyên gia marketing còn mỉa mai rằng: “Đặt giả thiết, nếu máy chụp hình kỹ thuật số của Kodak không thể cạnh tranh, thì Kodak hoàn toàn có thể nghĩ tới việc nghiên cứu để kiện các hãng cạnh tranh vi phạm bằng sáng chế, nếu có, nhằm có được một khoản tiền duy trì hoạt động của công ty”.

Tuy nhiên, những khoản bồi thường trong các vụ kiện cũng không thể khỏa lấp được sự thua lỗ trong hoạt động kinh doanh. Tính đến cuối quý 2/2011, Kodak có gần 957 triệu USD tiền mặt trong tay, từ mức 1,6 tỷ USD hồi đầu năm.

Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi doanh thu năm 2010 của Kodak giảm còn 7,2 tỷ USD và hãng đã thua lỗ suốt bốn năm qua. Giới chuyên gia phố Wall cho rằng, năm nay Kodak sẽ lỗ ròng 638 triệu USD và sẽ lỗ thêm 215 triệu USD vào năm 2012.

“Trước đây người ta có thể nhìn thấy biểu tượng chữ K màu vàng của Kodak ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Thế giới đã phụ thuộc vào biểu tượng đó trong việc lưu giữ ký ức. Nhưng với sự xuất hiện của máy ảnh kỹ thuật số và camera trên điện thoại di động, Kodak đã thua trận. Tôi cho rằng, từ giờ, người ta sẽ nói về Kodak như nói về quá khứ”, chuyên gia ngành ảnh John Larish, người từng làm việc cho Kodak trong thập niên 1980 với tư cách một nhà phân tích thị trường nhận định.

Theo Bích Diệp
Đất Việt

0 nhận xét

Đăng nhận xét