Labels

Labels

Labels

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Doanh nghiệp ngại chuyện nghỉ thai sản kéo dài

Dự thảo tăng chế độ nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 5 tháng dù được nhìn nhận là mang đậm chất nhân đạo song cũng khiến không ít doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ băn khoăn.
Sau nhiều tháng bàn thảo, đề xuất tăng thời gian nghỉ sinh cho lao động nữ từ 4 tháng lên 5 tháng được Chính phủ trình lên Quốc hội vào chiều 5/10.
Nhân viên nữ chiếm tới hơn 90% lao động trong các doanh nghiệp dệt may. Ảnh minh họa.
Đa phần các ý kiến đánh giá dự thảo này mang đậm tính nhân văn, phù hợp với khiến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mà nhiều nước phát triển đang áp dụng. Dù vậy, việc kéo dài thời gian thai sản đang dấy lên những lo ngại trong doanh nghiệp nhất là với những đơn vị sử dụng lao động phần đông là nữ.
Tổng công ty Dệt may Hà Nội thường có khoảng 5.000 công nhân lao động, gồm 3.000 công nhân ở miền Bắc, còn lại là phía Nam. Do chính sách tái cơ cấu và hoàn thiện bộ máy, doanh nghiệp này đang tiết giảm dần lao động ở Hà Nội và xây dựng các nhà máy tại các tỉnh thành khác để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ.
Một lãnh đạo cấp cao của Dệt may Hà Nội cho rằng với một doanh nghiệp sử dụng tới 90% công nhân là nữ thì dự thảo tăng thời gian nghĩ thai sản sẽ khiến họ chịu một số áp lực nhất định. "Cứ tưởng tượng một ngày đẹp trời 1.000 lao động trong số 5.000 công nhân nghỉ thai sản, hoạt động của công ty sẽ thế nào", ông này nói.
Vị lãnh đạo này bày tỏ quan điểm ủng hộ những chính sách của Nhà nước và đảm bảo quyền lợi của người lao động. Thế nhưng về phía doanh nghiệp, công ty cũng sẽ chuẩn bị sẵn những phương án ứng phó khi thiếu hụt nhân lực tạm thời cũng như chi phí có thể tốn kém thêm. Chẳng hạn như yêu cầu lao động thông báo trước thời gian nghỉ để doanh nghiệp bố trí lao động thế chỗ, tăng ca cho nhân viên khác. Và giai đoạn nghỉ này người lao động cũng phải chấp nhận mức lương thấp hơn so với bình thường.
Bà Ngọc, Giám đốc một doanh nghiệp phân phối sản phẩm đồ uống ở Hà Nội cho rằng với một số vị trí quan trọng trong doanh nghiệp như kế toán trưởng hay giám đốc kinh doanh cực chẳng đã bà mới tuyển nữ giới. Và nếu là nữ, bà cũng sẽ tuyển người nhiều kinh nghiệm và thường đã ổn định chuyện con cái. "Những vị trí này rất quan trọng, sự thiếu vắng của họ chỉ trong vòng một tháng đã khiến hoạt động kinh doanh bị xáo trộn nói chi 4-5 tháng", bà nói.
5 năm trước, kế toán trưởng của công ty do chính bà chọn về là một người có khá nhiều kinh nghiệm nên đảm nhận công việc rất tốt. Nhưng khi công ty bước vào giai đoạn căng thẳng nhất thì cô này nghỉ 4 tháng sinh em bé. "Mất khá nhiều thời gian mới tuyển dụng được người khác đảm nhận vị trí này. Sau đó, tôi lại rơi vào tình thế khó xử. Khi kế toán cũ đi làm trở lại, tôi buộc phải luân chuyển công việc vì kế toán trưởng mới làm quá tốt vị trí này. Dù mức lương vẫn thế nhưng nhân viên cũ vì tự ái đã làm đơn xin nghỉ chỉ sau một tuần đi làm. Đây cũng là một trong những rủi ro mà doanh nghiệp buộc phải chấp nhận", bà nói.
Theo bà, với những doanh nghiệp sản xuất hoặc công ty tư nhân, xáo trộn nhân lực thường chịu ảnh hưởng nhiều hơn so với doanh nghiệp Nhà nước. Bởi họ không có lực lượng lao động dự phòng và sự thiếu hụt nhân lực ở bất cứ vị trí nào cũng ảnh hưởng nhất định tới hoạt động của doanh nghiệp.
Tập đoàn Viettel hiện có 25 vạn cán bộ. Trong số này nữ chiếm 30% và đa phần là ở độ tuổi sinh nở. Quan điểm của hãng viễn thông này là khuyến khích nhân viên nữ, nên đảm bảo tốt chế độ hậu sinh nở. Khi tuyển dụng nhân viên nữ, nhất là lao động trẻ hãng đã tính đến giai đoạn họ sẽ lấy chồng và sinh em bé.
"Chúng tôi xác định giai đoạn thai sản của họ thường kéo dài ít nhất là một năm vì giai đoạn đầu con nhỏ các bà khó toàn tâm toàn ý cho công việc được. Do vậy, với chúng tôi 4 tháng, 5 tháng hay một năm cũng không có nhiều ý nghĩa", vị lãnh đạo Viettel nói.
Tập đoàn Kangaroo có 700 lao động, một nửa trong số này là nhân viên nữ. Khá nhiều bộ phận quan trọng như giám đốc nhân sự, kế toán trưởng... do cánh chị em đảm nhận. Đại diện truyền thông của Kangaroo cho hay khi tuyển dụng hãng thường yêu cầu nhân viên cam kết sẽ gắn bó lâu dài với công ty chứ không quy định về thời gian sinh nở (sau 2 năm) như đại bộ phận các doanh nghiệp khác.
"Trước khi sinh nở của chị em chúng tôi đều có buổi tham vấn ý kiến để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ. Sau kỳ thai sản, nhân viên có thể quay lại đảm nhận vị trí cũ hoặc chuyển sang công việc mới và thường do lựa chọn của chính lao động", đại diện của Kangaroo cho biết.
Tất nhiên với bộ phận quan trọng của công ty giai đoạn nghỉ quá dài có thể ảnh hưởng đáng kể tới công việc. Tuy nhiên, ở vị trí này họ thường có các trợ lý và thư ký nên mức độ ảnh hưởng tới công việc cũng ít hơn.
Trên thực tế không chỉ doanh nghiệp gặp khó vì vấn đề sinh nở của cán bộ nữ mà ngay cả bản thân nhân viên này cũng gặp những trở ngại nhất định. Giám đốc một doanh nghiệp phân phối điện thoại di động ở Hà Nội chia sẻ tình huống mà ông từng rất khó xử.
Cách đây một năm nữ kế toán trưởng công ty ông đến sát ngày sinh vẫn không chịu bàn giao sổ sách cho người mới. Lý do mà ông biết vì cô này lo khi quay lại công ty sẽ không còn được đảm nhận công việc cũ nữa. "Phòng nhân sự sau khi làm công tác giải tỏa tâm lý, cô ấy cũng chấp nhận nhưng lại xin đi làm sớm hơn 2 tháng. Kết quả là công việc không đảm bảo mà con cái cũng thiệt thòi vì không nhận được sự chăm sóc trọn vẹn", ông nói.
Theo vị lãnh đạo này mấu chốt vấn đề không nằm ở 4 hay 5 tháng thậm chí một năm sinh nở của chị em mà với doanh nghiệp khi đã tuyển dụng lao động nữ cũng đồng nghĩa với việc họ phải chấp nhận một ngày nào đó nhân viên sẽ thủ thỉ rằng: "Sếp ơi em có bầu" hay "Sếp ơi cho em nghỉ đẻ".
Hồng Anh

0 nhận xét

Đăng nhận xét