Labels

Labels

Labels

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

Giá thịt giảm, hàng “bình ổn” vẫn cao

Giá thịt lợn hơi trên thị trường liên tục giảm mạnh và sâu, nhưng giá thịt tại siêu thị của các đơn vị tham gia “bình ổn giá” lại không hề giảm. Thậm chí, khi Liên Sở Tài chính – Công thương dùng đến biện pháp hành chính, yêu cầu DN phải giảm giá bán 5% đối với thịt, thì DN cũng làm theo kiểu đối phó...
Bán đắt hơn giá qui định
Suốt mấy tuần qua, khi báo đài liên tục đưa thông tin về giá thực phẩm giảm sâu, ế hàng, đặc biệt là thịt lợn, thịt gà, nên khi đi siêu thị, chị Lan Hương (Hàng Than, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cảm thấy rất lạ vì giá thịt vẫn cao ngất ngưởng. “Giá thịt lợn ở siêu thị tôi thường mua (Intimex Bờ Hồ - PV) chẳng giảm chút nào, vẫn 130 – 140 nghìn đồng/kg, dù tôi thấy họ có treo bảng bình ổn giá” – chị Hương cho biết.
Cùng với đó, chúng tôi cũng nhận được những phản ánh của các bà nội trợ tại khu vực Gia Lâm, Tây Hồ về việc giá thịt bình ổn ở siêu thị cao hơn chợ rất nhiều. Để chứng thực thông tin, ngày 14/10, chúng tôi đã qua khảo sát tại siêu thị Intimex Bờ Hồ. Tại đây, quầy thịt bình ổn giá còn lèo tèo 6 khay thịt loại 200 – 300g, và giá được niêm yết quả thật rất cao.
Cụ thể, thịt thăn lợn 300g có giá 44,9 nghìn đồng (tương đương 150 nghìn đồng/kg), thịt nạc vai và nạc mông 300g có giá 41 nghìn, thịt rọi 300g có giá 39,9 nghìn đồng, và sườn có giá 44,5 nghìn đồng.
Tương tự, qua khảo sát tại siêu thị Hapro (ngã tư Trâu Quì), mức giá cũng gần tương đương. Trong khi đó vào cùng ngày, thông tin từ HTX chăn nuôi Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội) báo xuống cho biết giá lợn hơi lại tiếp tục giảm, chỉ còn 49 – 50 nghìn đồng/kg, đã giảm đến hơn 28% so với lúc giá cao đỉnh điểm.
Trước sự bất hợp lý này, chiều 14/10, PV đã có trao đổi với bà Phương Thu Hằng, Trưởng phòng giá (Sở Tài chính Hà Nội) và được biết, mức giá các siêu thị đang bán không hề đúng so với giá đã được liên Sở thông qua, thậm chí còn cao hơn cả mức giá trước khi liên Sở yêu cầu giảm 5%.
Cụ thể, đối với thịt của DN Minh Hiền, giá thịt rọi đăng ký là 126 nghìn đồng/kg, sau khi giảm 5% còn 119,7 nghìn đồng. Tuy nhiên ở Intimex và Hapro đang bán với giá lần lượt là 130 và 133 nghìn đồng/kg. Thịt nạc xay, giá qui định là 118,75 nghìn đồng, thì được Hapro bán với giá 140 nghìn đồng. Thịt nạc vai, giá qui định là 123,5 nghìn đồng/kg, thì cả 2 siêu thị đều bán với giá 138 nghìn đồng. So sánh với giá móc hàm mà DN Minh Hiền xuất ra chỉ ở mức 76 – 78 nghìn đồng/kg (vào ngày 7/10, khi thịt lợn hơi đang ở mức 55 nghìn đồng, hiện có thể còn thấp hơn, do lợn hơi đã xuống thêm 5 giá), thì rõ ràng chênh lệch đến tay người tiêu dùng là quá lớn.
Giá thịt giảm, hàng “bình ổn” vẫn cao, Giá cả thị trường, Thị trường - Tiêu dùng, gia thuc pham, gia thit, binh on gia, kinh te, bao

Quầy thịt bình ổn tại siêu thị Intimex ngày 14/10, giá vẫn ở mức 130 – 140 nghìn đồng/kg.
Cùng những loại thịt này, ở các chợ lẻ chỉ đang bán với giá 100 nghìn đồng/kg rọi/mông/vai; thịt nạc/sườn có giá 110 – 120 nghìn đồng. Dù có lý giải nguyên nhân giá cao hơn là do chi phí bán hàng của siêu thị lớn hơn, nhưng chênh lệch đến 20 – 30 nghìn đồng/kg là khó có thể chấp nhận. Đó là chưa kể đến, để có miếng thịt bình ổn đến tay người tiêu dùng, ngân sách TP đã phải trợ giá 2 lần: 1 cho DN giết mổ và 1 cho siêu thị. Tương tự đối với thịt gà, khi giá tại trang trại hiện chỉ còn 24- 25 nghìn đồng/kg đối với gà lông trắng thì Hapro đang bán 95 nghìn đồng/kg đùi, 96,8 nghìn đồng/kg cánh.
Buông lỏng giám sát, DN bình ổn kiểu đối phó
Theo thông tin chúng tôi có được cho đến ngày 14/10, giá thịt lợn hơi và thịt gà vẫn không ngừng giảm. Nếu so với lúc giá đỉnh điểm 70 nghìn đồng/kg, thịt lợn đã giảm giá 28,75%. Vậy tại sao liên Sở lại chỉ yêu cầu DN bình ổn giảm giá có 5%?
Trả lời câu hỏi này, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, vào thời điểm các cơ quan này xét giá, thịt lợn hơi đang ở 55 nghìn đồng/kg, nên chỉ yêu cầu DN giảm có vậy. Tuy nhiên giải thích này chưa thỏa đáng, vì với mức giá đó, lợn hơn cũng đã giảm 21,4%. Về việc giá tiếp tục giảm sâu mà giá bình ổn không thấy động thái giảm, vị đại diện này cho biết “chưa cập nhật kịp giá và có thể thứ 2 tới sẽ cho họp các DN để xem xét”?! Đã được vay vốn ưu đãi từ ngân sách, lại vẫn được bán giá cao, phải chăng cơ quan quản lý đang quá dễ dãi với DN mà chưa tính đến lợi ích người tiêu dùng?
Không chỉ nói riêng về giá thịt, nếu chịu khó chạy qua các siêu thị mới thấy sự hiu hắt của các quầy hàng bình ổn. Tại siêu thị Hapro Thụy Khuê ngày 14/10, không có một khay thịt tươi nào được bày bán, quầy rau còn trơ lại 3 túi cà tím, 1 túi hành củ và 1 túi rau muống, xung quanh đó là một số trứng gà, gạo và dầu ăn... trong khi cửa siêu thị trưng tấm biển đăng ký bình ổn cả 9 loại mặt hàng.
Cũng “tiêu điều” không kém là quầy rau, thịt... của siêu thị Intimex. Về hiệu quả mông lung của biện pháp bình ổn, bấy lâu nay nhiều chuyên gia và người dân đã đặt ra dấu hỏi. Tuy nhiên, Sở Công thương Hà Nội cũng đã nhiều lần cho rằng nên “9 bỏ làm 10”, đừng khắt khe quá và đòi hỏi cao quá với bình ổn giá, vì với ngân sách vài trăm tỷ đó không thể xoay vần giá cả, chỉ là đóng góp phần nào.
Tuy nhiên, thị trường xuống, DN bình ổn không tự xuống giá, để đến lúc bị “ép” mới miễn cưỡng giảm mà vẫn cao hơn giá thị trường 15 – 20%; cùng với việc làm bình ổn kiểu đối phó như hiện nay, một chút lòng tin cuối cùng của người tiêu dùng dường như cũng đang mất đi.
Thêm vào đó, sự lèo tèo, hiu hắt của quầy hàng bình ổn giá đang làm người tiêu dùng thực sự đặt ra dấu hỏi, rốt cuộc TP Hà Nội bỏ ngân sách vài trăm tỷ để làm lợi cho ai?

0 nhận xét

Đăng nhận xét