Labels

Labels

Labels

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Thịt lợn đang có dấu hiệu làm giá


 
Hiện tại, giá thịt lợn đã giảm đáng kể so với những tháng trước kia, tuy nhiên đây chỉ là động thái mang tính tạm thời. Nguyên nhân là do mặt hàng này đang có dấu hiệu tư thương trục lợi, làm giá khiến giá thu mua của nông dân giảm sâu nhưng giá bán lẻ tại các chợ lại giảm rất ít.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trước bối cảnh giá thịt lợn trên thị trường đang có nhiều diễn biến bất thường, gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi.

- Chưa có năm nào giá thịt lợn lại tăng đột biến và phức tạp như năm nay. Đỉnh điểm là hồi tháng 4,6,7,8 giá mặt hàng này đã tăng tới 64%. Vậy ông nhận định thế nào về diễn biến này?

Ông Nguyễn Thanh Sơn: Đúng là trong những tháng đầu năm vừa qua, đặc biệt là từ tháng 6 đến hết tháng 8, do nguồn cung thiếu hụt lớn dẫn tới giá các loại thịt cao kỷ lục từ trước tới nay. Ngoài ra, việc giá thịt lợn tăng đột biến còn có những nguyên nhân như:

Bối cảnh các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, trong tháng 1 và tháng 2 đã có hiện tượng thiếu hụt thực phẩm, cho nên đã dẫn đến tình trạng gia súc, gia cầm trong nước bị kéo hút sang nước bạn với mức giá cao hơn trong nước.

Cùng với đó, giá thịt tăng cao còn do hậu quả của đợt rét đậm, rét hại cuối năm 2010 làm chết trên 100 con trâu, bò tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Tiếp đó là dịch tai xanh và lở mồm long móng tái xuất hiện trong khi chi phí đầu vào của chăn nuôi tăng quá nhanh dẫn đến người nông dân bỏ chuồng, không chăn nuôi tái đàn. Hệ quả là nguồn cung khan hiếm và giá thịt có tháng tăng cao tới 64% so với tháng 1.

- Tuy nhiên, từ tháng 9 đến nay giá thịt lợn lại có xu hướng giảm ?

Việc giá thịt lợn bắt đầu giảm kể từ tháng 9 là do chăn nuôi đã được thúc đẩy, khiến nguồn cung đồi dào, không còn thiếu hụt như những tháng trước. Hiện ước tăng khoảng 15-18% so với thời điểm tháng 6, tháng 7. 

Ngoài ra, giá thịt giảm một phần cũng là do một khối lượng lớn thịt đông lạnh được nhập khẩu trong thời gian qua. Tính riêng trong tháng 8, lượng thịt nhập về đạt 12.000 tấn, trong khi các tháng đầu năm chỉ khoảng 3.000 - 4.000 tấn.

Đặc biệt, là do ảnh hưởng lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như ở miền Trung nên bà con phải bán chạy sản phẩm dẫn tới giá xuống. Cộng với sự quay trở lại của dịch bệnh ở một số tỉnh khiến người chăn nuôi có hiện tượng bán tháo, bán chạy cũng làm giá hạ thấp xuống.

Đấy là tất cả những nguyên nhân khiến giá thịt lợn đi xuống trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, theo tôi, sự xuống giá này chỉ mang tính tạm thời vì nguồn cung tăng nhưng cũng chưa thể vượt cầu. Đặc biệt, chỉ còn vài tháng nữa là đến Tết mà dự báo nhu cầu về thực phẩm trong dịp này sẽ tăng lên khoảng 15-20%. Đây vốn là xu thế điều tất yếu hàng năm.

- Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng nên xóa bỏ hoàn toàn mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ kiểu nông hộ, chỉ cho phép chăn nuôi theo hình thức trang trại. Ông đánh giá thế nào về phương án này?
Theo tôi, nếu cứ để tình trạng chăn nuôi tự phát nhỏ lẻ như hiện nay, rất khó kiểm soát được dịch bệnh. Nếu dịch xảy ra, người chịu thiệt thòi đầu tiên vẫn là người nông dân. Vì thế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Cục Chăn nuôi soạn thảo các quy định điều kiện để có thể chăn nuôi theo mô hình nông hộ.

Theo đó, phải có điều kiện về an toàn sinh học, có đăng ký, có tiêm phòng và kiểm dịch đầy đủ. Thứ 3 là phải có chính sách hỗ trợ đối với người dân, trước hết là có thông tin minh bạch về thị trường, giá cả và được hỗ trợ đào tạo về kỹ thuật.

Sau đó, phải hỗ trợ họ về hình thức chăn nuôi, có thể là hợp tác xã hoặc tổ, nhóm để cùng nhau chăn nuôi, có sự hỗ trợ lẫn nhau.

- Một thực tế cho thấy, hiện nay sự bất cập giữa việc có bàn tay thương lái làm giá dẫn đến tình trạng người nông dân chịu thiệt, còn người tiêu dùng không mua được thực phẩm rẻ đã quá rõ ràng. Liệu có biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng này và đến cuối năm ?

Có thể nói, đây là câu chuyện về sự bất cập và mâu thuẫn lớn nhất là sự chênh lệch giá tại chuồng với giá bán hiện nay. Chúng ta chưa minh bạch được giá đầu ra. Cho nên, tầng lớp thương lái trung gian được hưởng lợi nhiều, còn người chăn nuôi và người tiêu dùng lại chịu thiệt. Nhu cầu thực phẩm từ nay đến cuối năm vẫn có thể đáp ứng đủ.

Với đà tăng trưởng như hiện nay, dự báo đến cuối năm, nguồn cung sản xuất trong nước sẽ vào khoảng 175.000 tấn thịt lợn xẻ và 55.000 tấn thịt gia cầm, các loại thịt khác còn vào khoảng 13.000 tấn. Thêm lượng thịt gia cầm nhập khẩu, hoàn toàn có đủ để cung ứng cho thị trường không bị khan hiếm.

- Xin cám ơn ông!
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 30/9, tổng đàn lợn cả nước đạt 27,2 triệu con, tăng 3,3% so với tháng 4/2011. Vùng nuôi nhiều lợn nhất hiện nay là đồng bằng sông Hồng với khoảng 6,62 triệu con, chiếm 24,4% tổng đàn lợn cả nước.
Trong các loại vật nuôi, đàn gia cầm đang tăng trưởng cao nhất, ước tính đến 30/9, tổng đàn đã lên trên 320 triệu con. Cùng với đó, chăn nuôi trâu, bò, cũng có xu hướng tăng. Những tín hiệu này đã khiến giảm bớt áp lực về nhu cầu thực phẩm cho những tháng cuối năm.
Về giá cả các loại thịt hiện nay, tại miền Bắc, giá thịt lợn hơi tháng 9 bình quân ở mức 51- 53.000 đồng/kg, giảm 11,4% so với tháng 8; ở các tỉnh phía Nam vào khoảng 48 – 50.000 đồng/kg, giảm 2,8% so với tháng 8.


Yến Nhi

0 nhận xét

Đăng nhận xét