Labels

Labels

Labels

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Lạm phát có thể lên 24% nếu bơm tiền mạnh

Sáng nay trong cuộc hội thảo bàn về kinh tế VN, các chuyên gia đưa ra hai kịch bản lạm phát cho năm 2011, đều e ngại khả năng lạm phát cuối năm có thể lên 24% trước chính sách bơm tiền mạnh, giá vàng cao...
Trong hội thảo kinh tế Việt Nam 2011 - triển vọng năm 2012 diễn ra ở TP HCM sáng nay, tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, chuyên viên cấp cao chương trình Star Plus đưa ra hai kịch bản lạm phát năm 2011. Kịch bản thứ nhất, lạm phát có thể tăng tốc nhanh trong hai tháng cuối năm, ở mức 19-20%. Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, lạm phát 8 tháng đầu năm đã là 15,68%.
Dự báo này dựa trên nhiều yếu tố. Trước hết là do nhu cầu tiêu dùng cao trong mùa lễ tết sắp tới. Cùng với đó là chính sách thắt chặt tiền tệ làm giảm nhu cầu khu vực tư nhân, nhưng không đủ để làm giảm tổng cầu trong nền kinh tế.
Sức mua trong dịp lễ tết cuối năm có khả năng đẩy chỉ số CPI tăng cao, gây áp lực lạm phát cao. Ảnh: Lệ Chi
Kịch bản thứ 2, ông Chí cho rằng lạm phát có thể lên tới 24% vào cuối năm nay. Trước hết là do giá vàng trong nước thời gian qua cao hơn thế giới nhưng người ta vẫn đổ xô mua vào, cho thấy tâm lý lo ngại lạm phát vẫn rất nặng nề trong lòng người dân. Bên cạnh đó, tỷ giá và việc điều chỉnh lương tối thiểu, giá xăng, dầu, điện... có thể tác động tiêu cực lên chỉ số giá tiêu dùng những tháng cuối năm do tâm lý "tát nước theo mưa".
Kịch bản 2 về lạm phát 4 tháng cuối 2011
Tháng 922,64%
Tháng 1023,31%
Tháng 1123,48%
Tháng1224,11%
Ngoài ra, theo chuyên gia này, tốc độ tăng dư nợ tín dụng, tổng phương tiện thanh toán những tháng cuối năm sẽ cao hơn nhiều so với đầu năm. Chính sách bơm tiền mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước trong tuần thứ hai của tháng 9 (20.000 tỷ đồng) và tuần vừa qua (9.000 tỷ đồng) để các ngân hàng tuân theo việc áp dụng trần lãi suất huy động 14% và đưa lãi suất cho vay về 17-19%. Những yếu tố này đang thực sự dấy lên mối lo ngại lạm phát sẽ tăng tốc vào cuối năm.
"Do đó để chống lạm phát trong tình hình hiện nay thì sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết", ông Chí nhấn mạnh.
Cùng chung lo lắng, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển dự báo lạm phát năm 2011 không dưới 18%, vì bình quân 8 tháng đã rất cao mặc dù tháng 9 có khả năng kéo lạm phát xuống thấp hơn.
"Khả năng lạm phát năm nay khoảng 19%, do đó quản lý nhà nước không được đưa ra tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ. Hiện nay, mặc dù Ngân hàng Nhà nước khẳng định không nới lỏng nhưng thực tế là có dấu hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ", ông Tuyển nói.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế đánh giá Việt Nam rất khó chống được lạm phát trong dài hạn. Lý do là cách điều hành vĩ mô và chống lạm phát hiện nay quá nặng về hành chính, có tính chất chữa cháy quá nhiều, trong khi lại chưa mạnh dạn trong việc tái cơ cấu kinh tế. Nguy cơ lạm phát khứ hồi là rất cao.
Ông cũng cho rằng, việc cắt giảm đầu tư công Chính phủ tuyên bố thì mạnh nhưng triển khai chậm và hành động không rõ ràng. Điều này càng khiến lòng tin của dân suy giảm. Đồng thời, ông chỉ ra căn bệnh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là nghiện đầu tư, thêm dự án nhưng đói tài nguyên... Bằng chứng là các khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên tràn lan nhưng hiệu quả thì không cao.
Ông nói: "Không thể chống được lạm phát, tái lập ổn định vĩ mô, khôi phục và xác lập cơ sở tăng trưởng hiện đại nếu không thay đổi hệ thống phân bổ nguồn lực, cũng như không thể giảm nhập siêu chủ yếu bằng công cụ tỷ giá".
Do đó, trong ngắn hạn, Viện trưởng Viện kinh tế kiến nghị cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ, kiên quyết giảm mạnh chi tiêu và đầu tư công, giảm mạnh thu ngân sách.
Trong khi đó, tiến sĩ Lê Đăng Doanh "yêu cầu phải nhìn thẳng vào sự thật". Bởi theo ông, muốn đánh giá đúng tình hình hiện nay thì phải nhìn thẳng vào sự thật của vấn đề.
Theo ông Doanh, nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều bệnh. Nếu trị đúng bệnh thì lạm phát mới không tái phát được. Ông cho rằng, căn bệnh chính là chi ngân sách, đầu tư kém hiệu quả, hoạt động yếu kém của các tập đoàn nhà nước. Do đó, cần phải tái cơ cấu và cải cách toàn diện trong ít nhất là hai năm 2012 và 2013. Mà trước tiên là cải cách các tập đoàn nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, thực hiện mô hình quản lý dựa trên kết quả, công khai minh bạch những công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Lệ Chi

0 nhận xét

Đăng nhận xét